Trong năm 2011 các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đã rà soát,
cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ 907 dự án đầu tư với tổng số vốn
39.212,2 tỷ đồng, thêm số liệu được đưa ra tại báo cáo.
Khá nhiều con số về kết quả thực hành tiết kiệm được
nêu, song hoàn toàn thiếu vắng sự định lượng ở chiều ngược lại, tại báo
cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí được Chính phủ gửi tới Quốc hội.Ở nội dung đã và đang "nóng bỏng" trên diễn đàn Quốc hội tại nhiều kỳ họp là quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ cho biết, trong 5 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của hậu quả suy thoái kinh tế thế giới và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận tiếp tục bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Hầu hết các doanh nghiệp đều đã triển khai, thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh, báo cáo nêu rõ.
Con số cụ thể được dẫn theo báo cáo của 12 tập đoàn, tổng công ty 91, trong 5 năm đã tiết kiệm được trên 13.738 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí đầu tư xây dựng. Trong đó tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh là 9,6 nghìn tỷ đồng và tiết kiệm trong đầu tư xây dựng trên 4 nghìn tỷ đồng.
Số liệu tính đến ngày 15/9/2011 cho thấy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiết kiệm được 5.910 tỷ đồng, ở mức trên 2.000 tỷ đồng là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam...
Trong năm 2011 các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đã rà soát, cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ 907 dự án đầu tư với tổng số vốn là 39.212,2 tỷ đồng, thêm số liệu được đưa ra tại báo cáo.
Về giải pháp, báo cáo cho biết, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tăng cường thực hiện chức năng giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước, phát hiện xử lý và cảnh báo về việc chấp hành chính sách pháp luật về tài chính và khả năng mất cân đối tài chính của doanh nghiệp.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư vốn của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước giữ quyền chi phối, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản.
Về kết quả thực hiện đổi mới cơ chế quản lý tài chính và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, con số tại báo cáo tính đến hết tháng 8/2011, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.854 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp nhà nước, trong đó: cổ phần hóa 3.949 doanh nghiệp (Trung ương 1.655 doanh nghiệp; địa phương 2.294 doanh nghiệp); chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và sáp nhập, hợp nhất, giao bán, khoán 1.905 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Chính phủ nhìn nhận, trong thời gian qua cho thấy hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp còn thấp, thậm chí có doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, mất vốn, quản trị doanh nghiệp nhiều còn yếu kém, để xảy ra thất thoát, lãng phí trong đầu tư, mua sắm tài sản; đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính còn lớn...
Đã không có bất cứ con số nào được đưa ra để chứng minh cho nhận định này, và cũng không có địa chỉ cụ thể về doanh nghiệp nào thua lỗ, mất vốn hay thất thoát.
Hiệu quả sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước luôn là vấn đề trở đi trở lại tại các phiên thảo luận ở nghị trường, với lo nhiều hơn mừng.
Thảo luận tổ về báo cáo quyết toán ngân sách 2010, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch cho rằng lần này cần làm rõ một vấn đề mà đã nêu rất nhiều lần, đó là phân bổ vốn cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Riêng ngân hàng và tổng công ty 91 được phân hơn 5000 tỷ, nhưng quyết toán hơn 7000 tỷ.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn ở đó (3.500 tỷ đồng), qua thanh tra vừa rồi đầu tư ngoài ngành không hiệu quả và nhiều khoản chi trái quy định không được giải trình, đây là ý kiến cử tri đề nghị tôi phát biểu trước Quốc hội, ông Lịch nhấn mạnh.
Nhìn vào con số hơn hai nghìn tỷ vượt dự toán được Quốc hội quyết định, đại biểu Đỗ Văn Đương (Tp.HCM) cho rằng lẽ ra doanh nghiệp phải nuôi nhà nước chứ không phải ngược lại. Ông Đương đề nghị "phải báo cáo giải trình việc sử dụng vốn trước Quốc hội, vượt dự toán mấy ngàn tỷ mà không có vấn đề gì, không thể để một mình Chính phủ muốn cho ai thế nào cũng được".
Theo Nguyên Hà
VnEconomy