Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Chuyên nghiệp hóa nghề công tác xã hội

10 năm tới, mỗi năm sẽ có 6.000 nhân viên công tác xã hội được đào tạo bài bản, đáp ứng nhu cầu mỗi xã phường có ít nhất một người làm nghề này để phát hiện sớm những phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, giúp đỡ người yếu thế.

Sáng 5/8, tại buổi tập huấn về đề án phát triển nghề công tác xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, ông Nguyễn Văn Hồi, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, nhu cầu nhân lực làm nghề công tác xã hội của Việt Nam rất lớn. Ước tính 28% dân số có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội, gồm người nghèo, người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người bị bạo hành, và cả doanh nhân bị stress...
"Chúng ta đã có những người làm nghề này, như các nhân viên ở trung tâm bảo trợ xã hội, cán bộ phụ nữ làm công tác dân số trẻ em ở xã phường..., tuy nhiên cách làm việc chưa chuyên nghiệp. Họ phần đông là làm trái ngành nghề, làm kiêm nhiệm, mà thiếu các kỹ năng cần thiết", ông Hồi nói và khẳng định việc phát triển nghề công tác xã hội trong xã hội hiện đại là xu hướng tất yếu. 
Nhân viên một trung tâm đang dạy nói cho trẻ tự kỷ. Ảnh: Hoàng Hà.
Như ở Mỹ có tới 2 triệu nhân viên công tác xã hội. Họ xuất hiện mọi nơi, mọi lúc, ngay cả trong các phiên tòa để bảo vệ quyền lợi cho những người sử dụng dịch vụ. Mối quan hệ giữa nhân viên công tác xã hội và khách hàng rất bình đẳng, không phải là ban ơn, giúp đỡ và người sử dụng phải trả phí, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần.
Ông Hồi cho biết, mục tiêu của đề án phát triển nghề công tác xã hội là từ nay đến năm 2020 sẽ ban hành tiêu chuẩn ngạch bậc, lương, tiêu chuẩn đạo đức, nghề nghiệp đối với người làm nghề; hoàn thiện môi trường pháp lý để họ có thể hoạt động. Từ nay đến năm 2015, mỗi xã phường có 1-2 viên chức công tác xã hội, đến năm 2020 cả nước ó khoảng 60.000 viên chức làm nghề này.
Hiện cả nước có 500 cơ sở bảo trợ xã hội dành cho người già neo đơn, trẻ em mồ côi, trẻ khuyết tật, nhiễm độc da cam và các trung tâm 05, 06 dành cho người nghiện ma túy, từng hành nghề mại dâm, với khoảng 35.000 nhân viên. Sắp tới, số này sẽ được đào tạo lại.
Hiện cả nước có khoảng 40 trường đại học đào tạo cử nhân công tác xã hội. Năm nay lần đầu tiên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ đào tạo trình độ thạc sĩ cho ngành nghề này.
Hồng Khánh

Việt Nam cần phát triển nghề công tác xã hội học đường

Tác giả http://molisa.gov.vn   
08:08, 16/06/2011
Đó là nội dung của Hội thảo “ Phát triển nghề công tác xã hội học đường” do Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức Unicef Việt Nam tổ chức ngày 10/6, tại thành phố Hồ Chí Minh.

Mục đích của hội thảo là nhằm tìm ra các giải pháp xây dựng mạng lưới công tác xã hội (CTXH) học đường ở Việt Nam, bàn luận về tính thực tiễn công tác xã hội học đường, quá trình phát triển CTXH học đường trên thế giới, chia sẻ kinh nghiệm, tham khảo các mô hình CTXH học đường ở các địa phương hiện nay đang triển khai, một số giải pháp và kinh nghiệm rút ra từ ứng dụng CTXH tại một số trường THPT như: Trường THPT Phan Thanh Giản, Ba Tri (Bến Tre), Trường THCS Hùng Vương, Quận Bình Tân (TPHCM), Trường THPT Hiền Vương, Quận Bình Tân (TPHCM)…; vấn đề trẻ em bỏ học sớm và sự cần thiết của CTXH trong hoạt động ngăn ngừa trẻ bỏ học, vai trò và nhiệm vụ của nhân viên CTXH HĐ, xây dựng chương trình nội dung đào tạo cán bộ, nhân viên làm CTXH HĐ ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Ths. Lê Chí An – Trưởng Bộ môn CTXH Khoa XHH&CTXH (Đại học  Mở TPHCM) cho biết: Từ thế giới nhìn về công tác xã hội học đường ở Việt Nam cho thấy, không riêng Việt Nam mà các nước đang phải đối diện và giải quyết nhiều vấn đề trong trường học. Có thể thấy đó là vấn đề học sinh bỏ học, bạo lực trong học đường, vấn đề sức khỏe, nạn bắt nạt trong học sinh, bảo vệ học sinh, giúp học sinh thoát khỏi những tổn thương, mối quan hệ gia đình – học đường, vấn đề học sinh nhút nhát, ngăn ngừa học sinh bị gạt ra lìa, vấn đề tự tử, thấm vấn nhóm đồng đẳng, những hành vi không thích nghi, học sinh hiếu động, trẻ em dễ bị tổn thương…. Cần có biện pháp để giúp đỡ thông qua con đường CTXH học đường là thành công nhất.

Hiện nay, CTXH học đường ở trường học đã phát triển từ lâu và khá mạnh ở nhiều nước trên thế giới. Các nước cũng đã giới thiệu nhiều mô hình và cách làm của họ bài bản và yêu cầu nhân sự CTXH trong lĩnh vực này cũng rất cao. Điển hình như tại Hoa Kỳ, ngay từ đầu CTXH học đường đã chú trọng cải thiện việc đến lớp của trẻ và mối quan hệ giữ gia đình và nhà trường. Nhân viên xã hội học đường còn đảm nhiệm các công việc với trẻ khuyết tật, những học sinh vô gia cư hoặc đóng vai trò là chuyên gia phòng ngừa.

Theo thống kê, có khoảng 20.000 nhân viên xã hội học đường làm việc tại Hoa Kỳ, tập trung nhiều nhất ở vùng Trung Tây của nước này. Ngày nay, hầu hết nhân viên xã hội học đường được các trường cấp quận tuyển dụng, với trình độ Thạc sĩ CTXH, nhân viên xã hội học đường làm việc trong các đội, nhóm đa ngành như: nhân viên giáo dục và ngành khác.

Còn ở Việt Nam, CTXH học đường đã được giới thiệu trong chương trình đào tạo cử nhân CTXH ở Việt Nam, mà Đại học Mở TPHCM là một trong những trường đi tiên phong nhất của cả nước về khởi xướng và đào tạo ngành này. Dự kiến, sắp tới trường Đại học Mở sẽ xây dựng chuyên ngành CTXH học đường cũng như CTXH trong lĩnh vực HIV/AIDS để đưa vào đào tạo cho sinh viên tại trường.

Để thúc đẩy việc đưa CTXH vào trường học, Khoa Xã hội học – Đại học Mở TPHCM với sự tài trợ của của Tổ chức Cứu trợ Thụy Điển ( SCS – Save the children Sweden) và sự đồng ý của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã triển khai dự án thí điểm CTXH học đường ờ 2 trường  Chu Văn An (Quận 1) và Hưng Phú ( Quận 8) từ năm 1999 -2001. Tại mỗi trường có một nữ nhân viên xã hội làm việc thường xuyên với học sinh. Học sinh gặp bất kỳ vấn đề gì về học hành, tình cảm, tâm sinh lý, mối quan hệ thầy cô, vấn đề gia đình… đều có thể gặp nhân viên CTXH để bộc lộ nhằm được giúp đỡ. Nhân viên CTXH học đường đã áp dụng các phương pháp chuyên ngành của CTXH cá nhân, CTXH nhóm, tham vấn… để giải quyết vấn đề của trẻ có hiệu quả.

Trước khi kết thúc dự án thí điểm trên, một cuộc lượng giá đã chỉ ra những thành công công của việc đưa công tác xã hội vào trường học như cải thiện mối quan hệ giữa học sinh – học sinh – thầy cô giáo, giải quyết một số vấn đề cá nhân học sinh….

Ngoài ra, trong thời gian qua CTXH vào trường học, tổ chức SCS đã phối hợp hỗ trợ ngành dân số Gia đình và Trẻ em TPHCM xây dựng 8 điểm tư vấn học đường tại 8 trường thuộc các quận 3,8,10, Tân Bình, Gò Vấp đã mang lại hiệu quả rõ nét trong CTXH học đường hiện nay.

Điều đó cũng cho thấy, hiện nay ở TPHCM đã có nhiều trường học phổ thông đã quan tâm và đẩy mạnh mô hình này. Các trường cũng đã có tổ chức thâm vấn học đường và coi mô hình này như là biện pháp giúp học sinh “Hạ nhiệt” những vấn đề thuộc tâm lý nhưng chỉ trong khuôn khổ tâm lý chứ chưa thực sự là công tác xã hội. Theo mạng lưới công tác xã hội học đường thế giới thì nhân viên xã hội học đường là những người được huấn luyện đặc biệt để giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em, học sinh và gia đình cũng như các thầy cô giáo của các em trong các trường học.

Đánh giá về vai trò chức năng của CTXH học đường, TS. Lê Thị Mai, trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng: CTXH học đường có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề tâm lý, đời sống và các mối quan hệ xã hội đối với học sinh. CTXH học đường được thực hiện thông qua quá trình tác động vào 4 đối tượng chính ở trường học, đó là học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục khác. TS Mai cũng khẳng định nhân viên xã hội học đường là cầu nối giữ học sinh, gia đình, nhà trường để giúp các em có được điều kiện và phát huy khả năng học tập tốt nhất trong đời sống hiện nay. TS Mai cũng cho rằng, sự cần thiết của việc phát triển CTXH học đường trong bối cảnh xã hội hiện nay tại Việt Nam. Để phát triển nghề CTXH học đường, TS Mai cũng cho rằng cần nhiều sự quan tâm của các nhà quản lý ở các Bộ, ngành để đưa vào chiến lược phát triển giáo dục, trong đó có ngành CTXH học đường.

Mặc dù, hiện nay cả nước đã có 34 trường được phép đào tạo ngành CTXH, song để có được một đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, làm việc có hiệu quả, ngoài chương trình đào tạo công tác xã hội tổng quan, cần phát triển một mạng lưới các chuyên ngành trên cơ sở nhu cầu xã hội. Ví dụ như ngành công tác xã hội học đường, đồng thời cần xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ để mỗi trường có đủ “biên chế” cho nhân viên xã hội như các nghề khác trong hệ thống nghề nghiệp hiện nay ở Việt Nam.

Nhìn nhận ở một góc độ nhà nghiên cứu, ThS. Đỗ Văn Bình cho rằng: ở Việt Nam, trong những năm qua các vấn đề xã hội của học sinh ngày càng có xu hướng gia tăng, vai trò giáo dục của gia đình, cộng đồng cũng như một số hạn chế của cơ chế chính sách giáo dục đã được nhiều chuyên gia cũng như toàn xã hội quan tâm phân tích, góp ý và một số thử nghiệm mô hình CTXH học đường đã được triển khai đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, cho đến nay CTXH học đường vẫn còn tranh cãi và chưa hình thành, do vậy thiết nghĩ, các ngành chức năng cần gấp rút có những biện pháp để sớm hình thành nghề CTXH học đường ở Việt Nam.

Còn theo ông Lê Chu Giang – Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội Sở LĐTBXH, TPHCM hiện nay có trên 400.000 người cao tuổi, hơn 43.000 người tàn tật, gần 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trên 13.000 hộ gia đình nghèo (theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm của thành phố), trên 15.000 người nghiện ma túy được tái hóa nhập cộng đồng, khoảng 80.000 đối tượng bảo trợ  xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng tại địa bàn quận, huyện. Trong khi đó, đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội chỉ có khoảng 5000 người, trong đó có 2000 người thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố, trên 1000 người thuộc phòng Lao động – TBXH quận, huyện, cán bộ LĐTBXH xã phường, thị trấn; khoảng 1000 người thuộc ngành Y tế, giáo dục, tư pháp; trên 500 người thuộc các Hội, đoàn thể; 500 người thuộc các cơ sở xã hội ngoài công lập; trên 100 người thuộc các tổ chức phi chính phủ.

Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội thì hầu như chưa được đào tạo bài bản, mà chỉ thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ hàng năm do Bộ, Sở và các dự án của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức. Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên xã hội này đã thực hiện “ Công tác xã hội” trong từng lĩnh vực, từng ngành, ở khu vực công lập, ngoài công lập phù hợp với hoạt động xã hội trong từng thời kỳ, đã góp phần đưa chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đi vào cuộc sống.

Có thể nói, đội ngũ cán bộ nhân viên xã hội còn thiếu, chưa được đào tạo bài bản về công tác xã hội, nhất là cán bộ làm việc trực tiếp với đối tượng đã gây ảnh hưởng tới hiệu quả các chính sách xã hội trong quá trình triển khai thực hiện trong thời gian qua.

Do vậy, việc xây dựng và phát triển nghề CTXH nói chung và CTXH đường nói riêng  là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần giải quyết tốt các vấn đề xã hội liên quan đến công tác trẻ em cũng như các chính sách bảo trợ xã hội trong bối cảnh hiện nay ở nước ta.

Ngoài ra, Hội thảo còn được nghe 12 tham luận của các đại biểu đến từ các trường Đại học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu xã hội học và công tác xã hội, các tổ chức phi chính phủ và các em sinh viên đang theo học ngành CTXH thảo luận xoay quanh về vấn đề phát triển mạng lưới CTXH học đường hiện nay, các mô hình kinh nghiệm từ các địa phương trong CTXH, chương trình đào tạo nghề CTXH phù hợp với tình hình hiện nay, các chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến ngành CTXH trong thời gia qua và chiến lược giáo dục, đặc biệt là ngành CTXH trong giai đoạn 2011 – 2020, như Đề án 32 của Chính phủ về phát triền nghề CTXH đã được ban hành trong tháng 3 vừa qua và một  giải pháp cũng như kiến nghị đến các Bộ, ngành về phát triển nghề CTXH học đường trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay./.