10 năm tới, mỗi năm sẽ có 6.000 nhân viên công tác xã hội được đào tạo bài bản, đáp ứng nhu cầu mỗi xã phường có ít nhất một người làm nghề này để phát hiện sớm những phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, giúp đỡ người yếu thế.
Sáng 5/8, tại buổi tập huấn về đề án phát triển nghề công tác xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, ông Nguyễn Văn Hồi, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, nhu cầu nhân lực làm nghề công tác xã hội của Việt Nam rất lớn. Ước tính 28% dân số có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội, gồm người nghèo, người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người bị bạo hành, và cả doanh nhân bị stress...
"Chúng ta đã có những người làm nghề này, như các nhân viên ở trung tâm bảo trợ xã hội, cán bộ phụ nữ làm công tác dân số trẻ em ở xã phường..., tuy nhiên cách làm việc chưa chuyên nghiệp. Họ phần đông là làm trái ngành nghề, làm kiêm nhiệm, mà thiếu các kỹ năng cần thiết", ông Hồi nói và khẳng định việc phát triển nghề công tác xã hội trong xã hội hiện đại là xu hướng tất yếu.
Nhân viên một trung tâm đang dạy nói cho trẻ tự kỷ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Như ở Mỹ có tới 2 triệu nhân viên công tác xã hội. Họ xuất hiện mọi nơi, mọi lúc, ngay cả trong các phiên tòa để bảo vệ quyền lợi cho những người sử dụng dịch vụ. Mối quan hệ giữa nhân viên công tác xã hội và khách hàng rất bình đẳng, không phải là ban ơn, giúp đỡ và người sử dụng phải trả phí, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần.
Ông Hồi cho biết, mục tiêu của đề án phát triển nghề công tác xã hội là từ nay đến năm 2020 sẽ ban hành tiêu chuẩn ngạch bậc, lương, tiêu chuẩn đạo đức, nghề nghiệp đối với người làm nghề; hoàn thiện môi trường pháp lý để họ có thể hoạt động. Từ nay đến năm 2015, mỗi xã phường có 1-2 viên chức công tác xã hội, đến năm 2020 cả nước ó khoảng 60.000 viên chức làm nghề này.
Hiện cả nước có 500 cơ sở bảo trợ xã hội dành cho người già neo đơn, trẻ em mồ côi, trẻ khuyết tật, nhiễm độc da cam và các trung tâm 05, 06 dành cho người nghiện ma túy, từng hành nghề mại dâm, với khoảng 35.000 nhân viên. Sắp tới, số này sẽ được đào tạo lại.
Hiện cả nước có khoảng 40 trường đại học đào tạo cử nhân công tác xã hội. Năm nay lần đầu tiên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ đào tạo trình độ thạc sĩ cho ngành nghề này.
Hồng Khánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét