Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Vụ tranh chấp khối tài sản ngàn tỉ: "Tâm thư" của người con nuôi gửi cho các cậu

Sau một thời gian im lặng, ngày 6/6, thông qua luật sư Nguyễn Bảo Trâm, cô H.L đã có “bức tâm thư” gửi anh, em của bà P. (những người mà cô gọi bằng cậu).
Ông T.V.P trao đổi với anh em sống tại Đức qua điện thoại tại Sacombank chiều 30-5. 
Việc bà T.K.P (ngụ quận Tân Phú - TPHCM) qua đời, để lại khối tài sản hơn 1.000 tỉ đồng nhưng không kịp lập di chúc đã dẫn đến tranh chấp giữa người con nuôi (cô T.H.H.L) và các anh, em của bà P.
 
Sau một thời gian im lặng, ngày 6/6, thông qua luật sư Nguyễn Bảo Trâm, cô H.L đã có “bức tâm thư” gửi anh, em của bà P. (những người mà cô gọi bằng cậu).
 
Để giúp bạn đọc có cơ sở hiểu thêm về câu chuyện rắc rối này, Báo NLĐ đăng nguyên văn bức thư của cô H.L
 
“Kính gửi cậu T.V.P và các cậu,
Kính thưa các cậu,
 
Căn cứ thông báo ngày 20-5-2012 của ngân hàng, cháu là T.H.H.L (hiện là người thừa kế hợp pháp duy nhất của má cháu là bà T.K.P) có trách nhiệm báo với cậu và những người liên quan về cách cháu xử lý tài liệu, tài sản mà má cháu để lại đã được cất trong ba ngăn tủ sắt đã thuê của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) theo hai hợp đồng thuê ngăn tủ sắt số 151/2011 ngày 22-3-2011 và số 162/2011 ngày 16-3-2011 như sau:
 
Theo vi bằng số 73/2011/VB-TPLBT do Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh-TPHCM lập ngày 24-3-2011 đính kèm biên bản kiểm kê có sự chứng kiến, đồng ý và ký tên của cậu T.V.P, cậu T.L.K, cậu T.V.P, cậu H.X và cháu thì: “Các bên thống nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký biên bản này, hai bên phải có mặt để mở ngăn tủ sắt tại Ngân hàng Sacombank và giao toàn bộ các giấy tờ có giá, giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu bất động sản, bất động sản đứng tên bà T.K.P cho bà T.H.H.L để làm thủ tục mở thừa kế nếu bên còn lại không xuất trình được di chúc hợp pháp hay tài liệu hợp pháp chứng minh quyền sở hữu thuộc về mình. Nếu một trong hai bên vắng mặt thì bên kia đương nhiên được quyền đơn phương thực hiện mở niêm phong ngăn tủ sắt mà không cần sự chấp thuận của bên còn lại.
 
Trường hợp một trong các bên xuất trình được di chúc hợp pháp trước thời hạn kể trên thì có quyền yêu cầu bên kia có mặt để mở ngăn tủ sắt và thực hiện thủ tục khai di sản thừa kế ngay sau đó. Nếu một bên vắng mặt không có lý do hợp lý thì bên kia đương nhiên được quyền đơn phương thực hiện mở niêm phong ngăn tủ sắt mà không cần đến sự chấp thuận của bên còn lại”.
 
Đến ngày 23-4-2011 là thời hạn cuối cùng trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký biên bản kiểm kê ngày 24-3-2011 đính kèm vi bằng 73/2011 nêu trên nhưng cậu T.V.P đã không thực hiện lời cam kết trong vi bằng, từ chối lên mở ngăn tủ sắt để bàn giao lại tài sản cho cháu đi khai di sản.
 
Theo vi bằng số 75/2011/VB-TPLBT do Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh lập ngày 24-3-2011 đính kèm biên bản kiểm kê có sự chứng kiến, đồng ý và ký tên của cậu T.V.P, cậu T.L.K, cậu T.V.P, cậu H.X và cháu thì “Phương thức xử lý tài liệu, tài sản nói trên được áp dụng theo biên bản kiểm kê lập ngày 24-3-2011” (tức theo vi bằng 73/2011 nói trên).
  
Đến ngày 25-4-2011 là thời hạn cuối cùng trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký biên bản kiểm kê ngày 25-3-2011 đính kèm vi bằng 75/2011 nêu trên nhưng cậu T.V.P đã không đến Ngân hàng Sacombank nhằm thực hiện đúng thỏa thuận tại văn bản này.Việc cậu T.V.P không thực hiện cam kết nói trên đã được Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh ghi nhận trong vi bằng số 97/2011/VB-TPLBT, 100/2011/VB-TPLBT, 112/2011/VB-TPLBT và 127/2011/VB-TPLBT.
 
Cháu đã nhiều lần khẩn khoản cầu xin cậu T.V.P cùng cháu lên Ngân hàng Sacombank mở ngăn tủ sắt để cho cháu lấy giấy tờ đi khai di sản thừa kế và để lấy một số tiền trả cho những khoản còn thiếu trong việc xây mộ cho má cháu và trả cho những người làm công cho má cháu, để cháu có tiền đi học tiếp, hoàn thành việc học như mong muốn của má cháu nhưng cậu luôn từ chối.
 
Trong suốt hơn một năm vừa qua, cậu T.L.K, cậu T.V.P, cậu H.X và cậu T.V.P chưa từng đưa ra hoặc đề cập những chứng cứ chứng minh quyền của mình có trong khối di sản của má cháu để lại và đã từ chối nhiều đề nghị thương lượng của cháu. Và cũng trong suốt hơn một năm qua đó, nhiều lần, bằng cả nhắc miệng và bằng cả văn bản, cậu T.V.P yêu cầu cháu kiện các cậu ra tòa nếu muốn nhận lại tài sản nhưng cháu không muốn làm việc này, dù cậu P. có muốn.
 
Ngày 22 và 26-3-2012, hai hợp đồng thuê ngăn tủ sắt của Ngân hàng Sacombank nói trên đã lần lượt hết hạn, vào ngày 30-3-2012, trong buổi làm việc với ngân hàng này để giải quyết việc thanh lý hợp đồng đã quá hạn, một lần nữa, cháu đồng ý gia hạn thêm 30 ngày để cậu T.V.P tiếp tục đưa ra giấy tờ pháp lý có liên quan như cậu mong muốn nhưng cậu đã tuyên bố từ chối đề nghị này ngay cuộc họp.
 
Thưa các cậu,
 
Hợp đồng của chúng ta ký với Ngân hàng Sacombank là hợp đồng thuê ngăn tủ sắt để cất các tài liệu, tài sản của má cháu. Đó không phải là hợp đồng gửi Ngân hàng Sacombank để ngân hàng này giữ các tài liệu, tài sản do má cháu để lại. Sacombank đã đề nghị chúng ta thanh lý hợp đồng theo đúng quy định để lấy lại ngăn tủ sắt cho việc kinh doanh tiếp tục của họ.
 
Và cháu cùng với cậu T.V.P đã có mặt ở ngân hàng trong buổi họp chiều 30-5-2012 đó. Diễn biến cuối cùng của cuộc họp, cậu T.V.P đã không đồng ý lấy tài sản về, không đồng ý trả ngăn tủ sắt lại cho ngân hàng và cậu bỏ ra về. Sự việc này được lập vi bằng. Sau đó cháu đã thanh lý hợp đồng với ngân hàng và cam kết chịu trách nhiệm toàn bộ thay cho Sacombank nếu có bất kỳ tổn thất, thiệt hại hay chi phí bồi thường nào nếu có liên quan đến hợp đồng thuê ngăn tủ sắt.
 
Để giữ hòa khí trong gia đình, cháu xin được tạm gác lại việc cậu T.V.P thất hứa và không thực hiện cam kết được ghi nhận trong vi bằng số 73/2011/VB-TPLBT hơn một năm trước cũng như việc cậu nhiều lần ép cháu kiện ra tòa. Hiện tại cháu chỉ mong muốn gia đình mình hợp tác trên cơ sở pháp luật nhằm tìm một hướng giải quyết hợp tình, hợp lý cho những bất đồng quan điểm về thừa kế di sản đã tồn tại hơn một năm vừa qua.
 
Nay cháu, T.H.H.L, xin thông báo với cậu T.V.P và gia tộc về việc cháu rất sẵn sàng và vui lòng trao lại những tài sản trong di sản của má cháu nếu bất cứ người nào chứng minh được quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật.
 
Trân trọng cảm ơn và kính chào các cậu.
Kính thư
 
Ông T.V.P khởi kiện Sacombank
 
Ngày 6/6, TAND quận 3 - TPHCM cho biết đã nhận được đơn khởi kiện của ông T.V.P. (em bà T.K.P, ngụ phường Hiệp Tân, quận Tân Phú-TPHCM) kiện Sacombank.
 
Theo nội dung đơn khởi kiện, ông P. yêu cầu tòa án can thiệp việc Sacombank đơn phương mở ngăn tủ sắt và giao cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của ông hoặc quyết định mở tủ sắt của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, nội dung đơn khởi kiện còn thể hiện ông P. nhờ tòa án can thiệp để ông tiếp tục gia hạn hợp đồng thuê ngăn tủ sắt.
 
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TPHCM), hiện tại khối tài sản 1.000 tỉ đồng này chưa xác định là của ai. Ông P. và cô L. đến thời điểm này đang có quyền chiếm hữu tài sản và đã giao lại quyền này bằng một hợp đồng gửi giữ tài sản với Sacombank.
 
Tức đã chuyển giao quyền chiếm giữ này sang Sacombank. Căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự, căn cứ theo hợp đồng thuê ngăn tủ sắt ký kết giữa cô L., ông P. và Sacombank thì việc ngân hàng đơn phương ra thông báo thanh lý hợp đồng căn cứ theo đề nghị của cô L. và xử lý ngăn tủ có thể có tài sản của ông P. gửi khi chưa được sự đồng ý và ký nhận của ông P. là “vi phạm quyền quản lý tài sản” của ông P. - một bên trong hợp đồng.
 
Theo điều 11, hợp đồng gửi giữ tài sản nêu trên - Điều khoản về gia hạn và thanh lý hợp đồng thì “Khi hết hạn hợp đồng thuê nếu bên B - ông P. có nhu cầu tiếp tục thuê ngăn tủ sắt của bên A - Sacombank thì hợp đồng được gia hạn” và điều 182 Bộ Luật Dân sự quy định về quyền chiếm hữu tài sản thì “Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ và quản lý tài sản”.
 
Do đó, khi hết hạn hợp đồng mà ông P. có nhu cầu gia hạn hợp đồng thì Sacombank có nghĩa vụ gia hạn hợp đồng cho ông P. và việc chấm dứt hợp đồng là vi phạm quyền chiếm hữu mà cụ thể đó là quyền quản lý tài sản của ông P., dù ông P. chỉ là 1 trong 2 người của bên gửi yêu cầu Sacombank giữ. Trường hợp này, Sacombank có thể áp dụng điều 565 Bộ Luật Dân sự để buộc bên gửi phải thanh toán phần chi phí gửi phát sinh.
 
Ngoài ra, do chưa xác định khối tài sản này thuộc quyền sở hữu của ai nên khi giao toàn bộ cho cô L., sau này nếu tòa án ra bản án có hiệu lực pháp luật xác định có phần của ông P. hoặc những người khác trong gia tộc và cô L. làm thất thoát trong số tài sản sau khi được Sacombank giao lại thì thiệt hại này cũng có phần lỗi của Sacombank nên còn phải tính trách nhiệm bồi thường.
 
Như vậy, việc kiện Sacombank của ông P. là có cơ sở và có khả năng thắng kiện.

Theo Ph.Dũng
Người Lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét