Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Kinh nghiệm lớn nhất: Quản lý cảm xúc bản thân

Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Việt Thanh, một trong những người Việt đầu tiên được Unilever cử ra nước ngoài làm quản lý cao cấp phụ trách khu vực châu Á, châu Phi và Trung Đông; “linh hồn” của cổng việc làm trên 1000 USD đầu tiên Caravat.com, và giờ đây tên tuổi gắn liền với Anphabe.com, mạng cộng đồng doanh nhân đang phát triển tại Việt Nam.


 
Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc quốc tế cho tập đoàn lớn, sao chị không thích trở thành “người làm thuê số 1” mà lại chọn con đường tự mở doanh nghiệp riêng?

Thực ra tôi đã chia sẻ câu chuyện này khá nhiều nên chỉ xin đúc kết lại bằng một chữ “Duyên”. Tôi không hề cho rằng làm thuê hay làm chủ việc nào tốt hơn mà đơn giản chỉ là chọn con đường nào phù hợp với tính cách và khả năng của mình hơn.
Cuối năm 2007 khi về lại Việt Nam làm việc, đúng là có khá nhiều cơ hội cho tôi tại các vị trí quản lí cao cấp nhưng tôi đã chọn việc tham gia với một người bạn, vốn là sáng lập viên của Navigos Group, để thành lập Caravat.com.
Suy nghĩ của tôi lúc đó khá đơn giản “Cơ hội khai mở một xu hướng mới là không nhiều và xứng đáng để theo đuổi. Nếu mình không dám vượt qua thử thách này bây giờ thì càng ngày sẽ càng khó thoát ra khỏi vùng an toàn của một người làm thuê cao cấp để thử nghiệm con đường của doanh nhân”.
Sau hơn 3 năm hết mình với Caravat.com, tôi đã tự trả lời được câu hỏi mình muốn gì để quyết định tách ra thành lập Anphabe.com – Mạng cộng đồng dành cho các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam – với sứ mệnh kết nối các nhà lãnh đạo – kiến tạo cơ hội cho cộng đồng nhân sự cấp cao.

Khởi nghiệp một doanh nghiệp nhỏ, yếu tố quan trọng nhất quyết định thành quả hiện nay của chị là gì?

Tôi nghĩ đó là niềm tin vào chính mình. Còn nhớ những ngày mới chuyển từ một trong những công ty lớn nhất thế giới về lãnh đạo công ty nhỏ nhất thế giới (chỉ có 1 người là tôi) tại Caravat.com, suốt 4 tháng đầu, tôi chỉ cặm cụi nghiên cứu và “vẽ ra giấy” những ý tưởng mà thực tình rất xa lạ với những gì tôi đã được học và có kinh nghiệm trước đó.
Những ngày 2 con nhỏ cùng ốm, mình thì “vật vã” không biết làm cách nào để biến những ý tưởng trên giấy thành hiện thực, tôi khóc và thấy thật cô đơn. Thế rồi dường như lúc nào cũng sẽ luôn có một giọng nói tự nhủ với tôi là “Cố lên, mình sẽ làm được”. Chính điều này đã từng bước giúp tôi vượt lên những áp lực tâm lý để tự tin hơn, tìm đến nhiều người có thể giúp đỡ mình hơn và tháo gỡ dần mỗi khó khăn.

Từ quản lý “thuê” đến tự điều hành doanh nghiệp riêng với 20 nhân viên dưới quyền, theo chị cái khó nhất là gì?

Như tôi đã chia sẻ niềm tin vào bản thân là cực kỳ quan trọng, vì thế khó khăn lớn nhất với tôi cũng là làm thế nào để luôn duy trì cách nghĩ và cách sống lạc quan mỗi ngày, hay nói cách khác là quản lý được cảm xúc của bản thân.
Tôi tin rằng thái độ sống của mình không chỉ tác động lên những gì sẽ diễn ra trong cuộc đời mình mà còn tác động rất lớn đến những người xung quanh. Nhất là khi mình là “sếp”, mình đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thêm nguồn năng lượng giúp nhân viên làm việc tốt hơn, nhưng cũng có thể là nguyên nhân khiến họ cảm thấy mệt mỏi và giảm sút năng suất.
Tôi rất thích cuốn “Chuyến Xe Năng Lượng” của Jon Gordon. Tôi học được từ sách là lòng nhiệt huyết và suy nghĩ tích cực có khả năng lan tỏa rất cao. Khi bạn vui vẻ cất tiếng cười, bạn mang lại niềm vui và năng lượng tích cực cho những người xung quanh. Tôi phấn đấu trở thành một “Sếp Năng Lượng” (Chief Energy Officer) để luôn sống và làm việc với tất cả lòng nhiệt huyết.


 
Chị có thể kể một ví dụ mà việc quản lí cảm xúc này đã phát huy hiệu quả?

Một vấn đề rất lớn của bất cứ doanh nghiệp nhỏ nào là thu hút và giữ chân người tài. Dù môi trường, chế độ và các yếu tố khác tốt đến đâu, thì một lúc nào đó những người giỏi cũng có nhu cầu tìm đến một “cái ao” lớn hơn. Đó là điều tất yếu trong con đường phát triển của mỗi cá nhân. Nhiều khi chỉ cần 1 thành viên chủ chốt này ra đi, doanh nghiệp nhỏ đã có thể lao đao và thậm chí còn có thể đứng trước nguy cơ phá sản.
Khi mới bắt đầu con đường kinh doanh riêng, việc một ai đó bỏ mình ra đi có thể khiến tôi mất ăn mất ngủ một thời gian dài. Về sau tôi phát hiện ra rằng có rất nhiều điều mình lo sợ chỉ là những cái bẫy tâm lý, vì thế khi tập trung vượt qua sự sợ hãi của chính mình, tôi sẽ có thể thấu đáo tìm hiểu sự việc để có những quyết định sáng suốt và thậm chí còn hỗ trợ được cho những người ra đi.
Trong lần chuyển việc gần đây nhất của một cộng sự quan trọng, tôi đã chuẩn bị rất thật tâm cho thay đổi lớn này. Người đi – người ở cùng rất mở lòng, bởi vậy sự bình an lan tỏa đến toàn công ty, không ai cảm thấy mất mát xáo trộn gì đáng kể mà những người ở lại đều cảm nhận đây là cơ hội phát triển mới cho chính họ.

Chồng chị cũng là một lãnh đạo bận rộn. Vợ chồng chị sắp xếp thời gian cho nhau và cho gia đình như thế nào?

Nhiều người cũng hỏi tôi như thế! (Cười). Thực ra tôi vẫn thu xếp được nhiều thời gian cho chồng và cho con đấy. Buổi sáng, chúng tôi cùng nhau đưa 2 con gái đi học (tại 2 trường khác nhau), sau đó tôi đưa chồng đến văn phòng anh ấy trước hoặc ngược lại chồng đưa tôi đến công ty. Từ khi các con đi học đến nay, vợ chồng tôi tự hào là gần như sáng nào các cháu cũng có đầy đủ cả bố và mẹ đưa đến trường.
Sau giờ làm việc, vợ chồng tôi hay đi tập thể dục cùng nhau rồi về nhà ăn cơm và chia nhau mỗi người đọc sách, xem bài cho 1 bé. Cuối tuần là ngày của gia đình. Vợ chồng tôi rất coi trọng giá trị “cùng nhau” (Togetherness) nên hay bày ra nhiều hoạt động chung cho cả nhà như đi chợ, nấu ăn, cắm hoa, xem phim hay đi du lịch…

Nguồn: Phụ Nữ Ngày Nay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét