“Khó khăn là cơ hội để bản lĩnh người lãnh đạo được thể hiện” – Henry Ford. Thành viên Mạng cộng đồng doanh nhân Anphabe.com giao lưu với chị Hà Thu Thanh – TGĐ Deloitte Việt Nam
Chị có bị áp lực tăng lương cho nhân viên theo mức lạm phát?
Việc tăng lương thể hiện sự đánh giá đúng của lãnh đạo đối với nhân viên cũng như sự quan tâm tới đời sống của họ. Trong thời kỳ “bão giá”, lương tăng cũng cần chú ý đến yếu tố lạm phát. Tuy nhiên, tăng lương thường kỳ luôn tạo sức ép lớn đối với lãnh đạo; sức ép đó càng lớn hơn trong giai đoạn kinh tế phát triển chậm và bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao. Vì vậy, tôi luôn chọn nguyên tắc tăng lương theo tốc độ tăng trưởng công ty và mức độ cống hiến của từng nhân viên. Điều này không những công bằng, tạo động lực cho nhân viên làm việc tích cực mà còn loại bỏ sức ép tăng lương theo mức lạm phát và duy trì sự bền vững của lương như một công cụ khuyến khích nhân viên phát triển.
Một nhân viên giỏi đòi tăng lương, nếu không sẽ nghỉ việc, chị sẽ làm gì?
Tôi chưa gặp tình huống này nhưng nếu có, tôi sẽ lắng nghe lý do đòi tăng lương của người đó và phân tích theo 2 hướng: Thứ nhất, nếu thực sự đánh giá của công ty chưa đúng thì phải điều chỉnh thu nhập của nhân viên kịp thời bằng tăng thưởng, chứ không tăng lương. Thứ hai, nếu mức lương cho vị trí đó thấp hơn thị trường thì cần xem xét điều chỉnh lương cho cả nhân viên đó và các nhân viên ở vị trí tương tự. Đừng bao giờ giải quyết từng trường hợp cụ thể mà phá vỡ tính đồng nhất của hệ thống giữa các vị trí và các phòng ban.
Chị làm sao để đảm bảo sức khỏe với một khối lượng công việc khổng lồ?
Sức khỏe có lẽ là điều quý nhất đối với mỗi người. Đối với một nhà lãnh đạo, càng có nhiều việc thì càng cần rèn luyện sức khỏe. Tôi nâng cao sức khỏe thể chất bằng cách tập Yoga buổi sáng và đi bộ buổi tối. Khi rèn luyện sức khỏe thể chất thì tinh thần cũng được thư giãn. Cho nên, tôi coi trọng sức khỏe tinh thần hơn. Tôi có 3 bí quyết nhỏ sau đây:
1. Hãy phân quyền nhiều nhất có thể, dành thời gian giám sát, hỗ trợ hơn là cái gì cũng làm trực tiếp;
2. Luôn chia sẻ;
3. Làm việc theo nhóm để có nhiều ý tưởng tốt và thực hiện nhanh hơn.
Khi tức giận chị phản ứng như thế nào?
Thực sự tôi là người nóng và trực tính. Và tôi chọn cách “nói luôn tại chỗ” nếu cảm thấy điều gì sai trái. Tuy đôi khi không tránh khỏi làm tổn thương người khác nhưng tôi đã nói thì sẽ KHÔNG bao giờ nhắc lại. Nhìn một cách tích cực thì mọi người sẽ luôn đọc được suy nghĩ thật của tôi để chấn chỉnh và “sự tức giận của mình sẽ giúp tôi luyện bản lĩnh của người khác để đối diện với cái sai” (cười)
Phụ nữ đôi khi khó “tâm phục” sếp nữ. Chị xử lý khó khăn kiểu này thế nào?
Dù là phụ nữ hay nam giới, nếu sếp không giỏi thì nhân viên khó “tâm phục khẩu phục”. Sếp nữ đôi khi quá cảm tính mà cảm xúc khi quá mạnh hoặc quá yếu thì đều không tốt. Nhân viên nữ cũng thường hay cảm tính, lúc tích cực thì dễ đồng cảm nhưng khi tiêu cực lại dễ mâu thuẫn. Khi cảm nhận được nhân viên nữ đang cảm tính quá, tôi sẽ đổi phương cách để mình tỉnh táo và mạnh mẽ hơn.
Nhân viên mắc sai lầm, chị sẽ làm gì?
Khi xem xét một sai lầm, hãy tìm hiểu sai lầm đó là do cách thức, kiến thức hay ý thức. Sai lầm do cách thức làm việc chưa đúng hay do thiếu kiến thức thì có thể khắc phục được. Tôi sẽ tư vấn riêng cho nhân viên để điều chỉnh cách làm, bổ sung kiến thức cho công việc hiệu quả. Nhưng tôi sẽ nổi giận và không chấp nhận những sai lầm do ý thức trách nhiệm hay cam kết kém. Đây là những sai lầm “chết người”, đặc biệt trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tư vấn. Đó là những sai lầm thường làm tôi nổi giận. (cười)
Chị có từng thất bại?
Trong quan điểm của tôi, không có con người thất bại mà chỉ có sự việc thất bại. Nhưng sự việc chỉ có thể coi là thất bại nếu sau khi diễn ra bất thành ý mà mình lại không rút ra được kinh nghiệm gì. Vì thế tôi nghĩ rằng mình may mắn khi chưa gặp sự việc thất bại. (cười)
Cuối cùng, xin chị hãy cho các thành viên Mạng cộng đồng doanh nhân Anphabe một lời khuyên khi đối mặt những tình huống khó khăn?
Công việc cũng như cuộc sống luôn có khó khăn. Cách nhìn nhận khó khăn mới là quan trọng. Tôi chỉ có một câu “Bình tĩnh mà sáng suốt” (triết học Mác – Lênin) hay “Tâm tĩnh thì trí sáng” (Đức Phật). Mỗi người nên tìm cách giải quyết khó khăn với việc giải tỏa tinh thần trước, coi những khó khăn, trắc trở là tất yếu trong cuộc sống. Và theo đó, cố gắng biến những khó khăn lớn thành khó khăn vừa, coi khó khăn vừa chỉ là chuyện bình thường thì mình sẽ luôn có thêm sức mạnh để vượt qua!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét