Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

TRẮC NGHIỆM - CÔNG VIỆC HIỆN TẠI CÓ PHÙ HỢP?

Một công việc phù hợp là nơi tài năng của bạn tỏa sáng, bạn sẽ làm việc với hiệu suất cao nhất và với một tinh thần lạc quan, thoải mái. Công việc đó cũng phải phù hợp với tính cách, sở thích, kỹ năng và những giá trị mà bạn tin tưởng, giúp bạn hoàn thành những mục tiêu trong cuộc sống và mang đến cho bạn sự tự hào về bản thân.
Cũng như khi tìm cho mình người bạn đời lý tưởng, một cộng việc lý tưởng cần đến sự tương đồng giữa hai bên ở nhiều mức độ khác nhau. Nếu bạn đang băn khoăn về công việc hiện tại, hãy trả lời ngay những câu hỏi trắc nghiệm sau để có cái nhìn khách quan hơn về công việc của mình. 
Những dấu hiệu của một công việc không phù hợp
Bạn biết mình đã chọn sai việc nếu:
•    Công việc của bạn chỉ đơn thuần là một phương tiện kiếm sống.
•    Đó là công việc mà bạn nhận làm 10 năm về trước, khi không còn sự lựa chọn nào khác.
•    Bố mẹ bạn vô cùng hãnh diện, nhưng bạn thì chán ngấy đến tận cổ.
•    Công việc khiến bạn buồn chán, làm tổn thương lòng tự trọng của bạn, làm suy giảm những giá trị riêng và cản trở sự hoàn thiện nhân cách của bạn.
•    Bạn chỉ mong sớm đến ngày cuối tuần.


TRẮC NGHIỆM - CÔNG VIỆC HIỆN TẠI CÓ PHÙ HỢP?


Đánh giá tình trạng công việc
Sau đây là một bảng câu hỏi giúp bạn đánh giá tình trạng công việc hiện tại của mình. Bạn hãy đánh dấu √ vào câu bạn thấy đúng (và đừng để ý đến chữ cái đứng sau mỗi câu).
•    Bạn mong chờ được đi làm mỗi ngày. (S)
•    Sếp đối xử với bạn một cách công bằng và tôn trọng. (S)
•    Bạn chỉ mong chờ đến ngày cuối tuần và bất cứ ngày nào không phải làm việc. (G)
•    Bạn thấy mình có giá trị và được trân trọng vì những đóng góp của mình cho công việc. (S)
•    Bạn cảm thấy nơi làm việc thật độc hại. (G)
•    Trong công việc, bạn được là chính mình và không phải lo lắng về việc bị đánh giá. (S)
•    Bạn được cập nhật mọi thông tin về tình hình hoạt động của công ty. (S)
•    Sếp thường xuyên thảo luận với bạn, đem lại cho bạn cơ hội phát triển và thăng tiến trong nghề nghiệp. (S)
•    Bạn được khen ngợi vì những nỗ lực của mình. (S)          
•    Công việc kích thích khả năng trí tuệ và tư duy của bạn. (S)
•    Bạn thấy mình đang đóng góp một phần hữu ích cho xã hội. (S)     
•    Bạn được đền đáp xứng đáng cho công việc của mình. (S)
•    Bạn thấy mình thường xuyên mơ tưởng về một công việc mới. (G)   
•    Bạn nhận thấy công việc hiện tại là bước phát triển tự nhiên cho chính con người thật của mình. (S)
•    Bạn tự thấy mình thành công. (S)                          
•    Bạn thấy mình như bị mắc kẹt trong vị trí hiện tại. (G)   
•    Bạn thấy mình hoàn toàn kiểm soát con đường sự nghiệp. (S)         
•    Bạn đang làm việc bằng tất cả năng lực của mình. (S)                  
•    Công việc hiện tại ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh bạn. (G)     
•    Bạn khao khát được thử sức ở một lĩnh vực khác mới mẻ hơn. (G)          
Giờ thì hãy đếm số “S” và “G” tại những câu mà bạn đã chọn. “S” là “Stay” (Ở) còn “G” là “Go” (Đi). Bảng câu hỏi này là một thước đo đáng tin cậy để bạn đánh giá mức độ phù hợp của công việc hiện tại. Bạn chọn càng nhiều câu “G” thì đã đến lúc bạn cần suy nghĩ nghiêm túc về một sự thay đổi, sự thay đổi tích cực!

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

KHƠI NGUỒN NĂNG LƯỢNG BẢN THÂN

Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao có người làm được những điều phi thường mà người khác lại không làm được? Vì sao họ có được nguồn năng lượng dồi dào để thúc đẩy bản thân đạt được những thành công nối tiếp thành công như vậy? Bí quyết, theo Brian Tracy (ảnh) – diễn giả hàng đầu thế giới về tư duy thành công – là biết cách khơi thông nguồn năng lượng quý giá tiềm ẩn bên trong con người bạn.
Chính nguồn năng lượng này sẽ thổi bùng ngọn lửa đam mê trong bạn, duy trì một ý chí vững vàng và một cơ thể khỏe mạnh để bạn theo đuổi và đạt được những mục tiêu lớn hơn trong sự nghiệp.

Năng lượng mục tiêu

Brian Tracy từng chia sẻ rằng ông ghi ra giấy mục tiêu kiếm được 1000 đôla/tháng từ việc bán hàng qua điện thoại. “Một tháng sau, vận may mỉm cười với tôi. Trong quãng thời gian này, tôi đã nghĩ ra một kỹ thuật bán hàng rất hiệu quả, khiến doanh số tăng lên gấp ba lần so với thời gian đầu… Sau 30 ngày kể từ hôm viết mục tiêu ra giấy, công ty đề xuất mức lương 1000 đôla/tháng… Chỉ trong 18 tháng, tôi chuyển từ vị trí một nhân viên bán hàng lên làm giám đốc kinh doanh, tuyển dụng và quản lý một đội ngũ hơn 95 con người.”

KHƠI NGUỒN NĂNG LƯỢNG BẢN THÂN 

Để kích hoạt năng lượng này, mục tiêu phải đủ lớn, cụ thể, khả thi và bản thân người đặt ra mục tiêu phải có sự hình dung thật sống động về nó. Viết mục tiêu ra giấy sẽ giúp bạn có sự cam kết để biến mục tiêu thành hiện thực. Một cách bản năng, con người sẽ tự hướng về mục tiêu của bản thân và kỳ diệu hơn nữa là mục tiêu cũng sẽ dần dịch chuyển về phía bạn. Đến một thời điểm cụ thể, tại một nơi cụ thể, bạn và mục tiêu sẽ gặp nhau.

Năng lượng thể chất

Bạn không thể làm việc tốt, không thể thành công nếu bản thân luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Làm việc trong tình trạng sức khỏe không tốt, bạn tạo rất ít giá trị, chỉ bằng một phần nhỏ so với năng lực thật sự khi bạn hoàn toàn khỏe mạnh và tràn đầy sinh lực. Vì vậy, để thành công, bạn nên có chế độ ăn uống và rèn luyện thể chất hợp lý.
Các nghiên cứu về dinh dưỡng cho thấy thức ăn ảnh hưởng rất lớn đến mức năng lượng trong suốt cả ngày. Những thay đổi trong khẩu phần ăn sẽ khiến bạn hưng phấn, năng động, tỉnh táo và tràn đầy sức sống. Bạn cũng nên tập thể dục đều đặn để có nhiều năng lượng và tinh thần thoải mái. “Sức khỏe là vàng”, khi sở hữu một cơ thể khỏe mạnh, bạn sẽ dễ đạt được mục tiêu đề ra.

Năng lượng tình yêu

Phần lớn người đi làm dễ rơi vào bẫy thu nhập: chấp nhận làm một công việc có thu nhập hấp dẫn nhưng chưa chắc là phù hợp với năng lực và đam mê của bản thân. Hoặc cũng có thể công việc diễn ra đều đều hàng ngày, khiến bạn nhàm chán.
Nếu không yêu thích 95% những gì đang làm, thì tốt nhất bạn nên rời bỏ công việc đó và tìm một việc làm mới. Bởi nếu thực sự say mê công việc của mình, bạn sẽ khó có thể rơi vào cảm giác chán nản, mất động lực.
Đồng thời, Brian Tracy cho rằng, nếu không có một gia đình hạnh phúc, bạn cũng khó có thể thành công. Vì vậy, hãy vun đắp cho gia đình mình, cho tình yêu của bản thân. Khi có tình yêu, mọi cảm xúc sẽ thăng hoa và công việc sẽ tiến triển tốt đẹp hơn.
Diễn giả Brian Tracy sẽ đến TP.HCM theo lời mời của ITDAnphabe.com. Ông sẽ trực tiếp huấn luyện một ngày duy nhất về “Nhân đôi hiệu năng công việc – Trở thành cá nhân và lãnh đạo kiệt xuất” ngày 15/12/2011.
 Đăng ký tại: http://www.itdworld.vn/briantracy

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

CEO FACEBOOK – MARK ZUCKERBERG, THÀNH CÔNG BẰNG CÁCH NÀO?

Nếu bạn có sử dụng Facebook thường xuyên để kết nối và cập nhật thông tin của bạn bè thì chắc chắn bạn không thể không biết đến Mark Zuckerberg, người đã làm thay đổi cách liên lạc của cả thế giới và kết nối mọi người gần nhau hơn. Để làm được điều này, Mark đã phải đánh đổi rất nhiều thứ như bỏ học ở Harvard, từ chối những khoản tiền khổng lồ chỉ để theo đuổi ước mơ trong công việc của mình và thành công của anh như ngày hôm nay là hoàn toàn xứng đáng.
Bạn hãy học tập những bí quyết thành công của CEO trẻ nhất thế giới và áp dụng vào sự nghiệp của mình để có những bước thăng tiến mới. Chúc bạn thành công!

1.    Nuôi dưỡng ước mơ

Nhiều người vẫn cho rằng Mark Zuckerberg trở thành triệu phú một cách dễ dàng, họ nghĩ anh tạo nên Facebook chỉ bằng một cú búng tay. Sự thật là, Mark Zuckerberg không phải là hình mẫu thành công trong một sớm một chiều. Hành trình đến với danh vọng và giàu sang của anh khởi đầu từ một ước mơ, một khao khát mà anh sẵn lòng hy sinh tất cả để đạt được.

CEO FACEBOOK – MARK ZUCKERBERG, THÀNH CÔNG BẰNG CÁCH NÀO? 

Đó là lý do Napoleon Hill từng nói: “Khao khát là khởi điểm của mọi thành tựu.”
Vì thế, nếu bạn muốn lặp lại thành công của Mark Zuckerberg; nếu bạn muốn trở nên giàu có và thành công, hãy bắt đầu bằng chính khao khát của bạn. Bạn muốn gì từ cuộc sống này? Bạn muốn mình sẽ ở đâu trong 10 năm tới? Và khi từ giã cõi đời, bạn muốn được nhớ đến nhiều nhất vì điều gì?

2.    Nghĩ lớn

Facebook là một dự án nằm trên máy tính của Mark Zuckerberg và anh hoàn toàn có thể chọn cách bán nó đi, nhưng anh đã từ chối. Anh từ chối bởi cái mà anh tìm kiếm không phải là một khoản tiền; điều anh thật sự quan tâm là Facebook sẽ giúp thế rộng mở hơn, mọi người liên lạc với nhau dễ dàng hơn. Facebook từng là một dự án nhỏ, song giấc mơ của Mark Zuckerberg không hề nhỏ bé.
Bạn thấy gì về công việc hiện tại của mình? Bạn đã làm tốt chưa? Bạn có thể làm tốt hơn nữa không? Bạn phải làm gì để tiến xa hơn và nhanh hơn trên con đường sự nghiệp của mình? Hãy dành thời gian để nhìn lại chặng đường đã qua và lên kế hoạch chuẩn bị cho mục tiêu tiếp theo mà bạn muốn đạt được. Luôn đặt ra cho mình những mục tiêu lớn hơn chính là cách bạn tiến gần đến thành công của chính mình.

3.    Tin vào bản thân

Tin tưởng vào bản thân là điều kiện tiên quyết để thành công, và Mark Zuckerberg có thừa sự tự tin. Bạn sẽ không bao giờ tạo dựng thành công trong sự nghiệp bằng cách đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Đừng bao giờ tự đánh giá thấp bản thân; hãy vững tin vào chính mình và những khả năng sẵn có – và bạn sẽ thành công.

4.    Theo đuổi niềm đam mê

Điều gì khiến bạn đam mê? Bạn có sẵn sàng để theo đuổi niềm đam mê ấy? Bạn có sẵn lòng hy sinh cho đam mê của mình? Đây là những câu hỏi bạn cần trả lời nếu muốn lặp lại thành công của Mark Zuckerberg.
Mark Zuckerberg say mê việc lập trình ngay từ thời thơ ấu và không ngừng theo đuổi niềm đam mê của mình, ngay cả khi điều này buộc anh phải mạo hiểm cả cuộc đời mình. Anh đã bỏ dở việc học ở trường đại học chỉ để chắn chắn rằng niềm đam mê của anh không bao giờ tắt. Sự mạo hiểm này đưa anh vào danh sách những triệu phú bỏ học giữa chừng giàu nhất thế giới. Quyết tâm cao độ chính là chìa khóa để tạo dựng nên sự nghiệp lớn từ con số không.

5.    Chấp nhận sự phê bình

Cũng như mọi doanh nhân thành đạt; Mark Zuckerberg luôn phải đối diện với những luồng phê bình chỉ trích. Tuy nhiên, những ý kiến ấy không làm anh nao núng. Sự phê bình là điều cần thiết trên con đường dẫn đến thành công, vì thế, bạn phải chuẩn bị sẵn sàng để không chỉ chấp nhận mà còn biết cách sử dụng nó như một lực đẩy. Đừng để sự phê bình khiến bạn rơi lại phía sau; thay vì thế, hãy dùng nó như một bước đệm để tiến xa hơn nữa. 

6.    Đừng sợ thách thức những kẻ khổng lồ

Mark Zuckerberg muốn Facebook trở thành trung tâm của internet, nhưng anh gặp phải một chướng ngại vật, một người khổng lồ không thể lay chuyển với vị thế vững chắc. Đó chính là Google. Mark có e sợ đối mặt với Google không? Câu trả lời là không. Đôi khi, thành công được tìm thấy ngay dưới chân người khổng lồ, nơi nhiều khó khăn và thử thách nhất. Khi đó chỉ có lòng can đảm mới đủ sức đương đầu với sự mạo hiểm và chắc chắn phần thưởng sẽ là xứng đáng. Giờ đây, Facebook từ con số không đã trở thành đối thủ xứng tầm mà gã khổng lồ Google phải luôn dè chừng.
Còn bạn, đừng bao giờ nản lòng khi phải đương đầu với những công việc tưởng chừng như quá sức. Bạn đủ tài năng và can đảm để làm tốt nhất công việc này. Hãy cố gắng hơn chút nữa và thành công sẽ đến!

7.    Tập trung và kiên trì

 “Điều tôi thật sự quan tâm là sứ mệnh của Facebook: khiến thế giới trở nên rộng mở hơn” – Mark Zuckerberg.
Bạn có biết lý do vì sao Facebook có thể đương đầu với Google? Câu trả lời nằm ở việc Mark Zuckerberg đã tập trung hoàn thành sứ mệnh của Facebook. Đó là lý do vì sao những nhân vật thành đạt như Warren Buffett, Bill Gates và Andrew Carnegie luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tập trung. Những nỗ lực phân tán đưa đến kết quả tối thiểu; ngược lại, những nỗ lực tập trung đem lại kết quả tối đa. Vì thế, hãy xác định một mục tiêu rõ ràng cho con đường sự nghiệp và tập trung khả năng và nguồn lực để đạt được mục tiêu đó!
Thành công của Mark Zuckerberg không phải là điều phi thường. Không có gì lạ khi anh trở thành tỉ phú trẻ nhất thế giới. Anh xứng đáng với vị trí hiện tại, bởi anh đã mơ ước, hoạch định và biến ước mơ của mình thành hiện thực. Anh luôn theo đuổi niềm đam mê của mình và toàn tâm toàn ý hoàn thành sứ mệnh Facebook. Trong thành công của Mark Zuckerberg, hoàn toàn không có chỗ cho sự may mắn.

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

6 BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA STEVE JOBS

Ngày 5/10 vừa qua, thế giới đã mất đi một huyền thoại về công nghệ và sáng tạo Steve Jobs. Người đã thổi hồn vào những chiếc điện thoại iPhone, máy nghe nhạc iPod, máy tính bảng iPad và máy tính Macbook, đưa chúng trở thành những món hàng công nghệ được săn đón nhất thế giới.
Steve Jobs ra đi, ông không chỉ để lại cho thế giới những kiệt tác công nghệ mà còn là những bài học về một thái độ sống tích cực, niềm đam mê và sự nỗ lực không mệt mỏi. Đây chính là những bí quyết giúp Steve vượt qua những khó khăn và vấp ngã để đến đỉnh thành công. Hãy học hỏi từ Steve: “Hãy luôn khao khát, hãy cứ dại khờ!”

1.  Làm điều bạn yêu thích
Theo Steve: “Hãy tìm kiếm nỗi đam mê đích thực của bạn. Hãy làm điều bạn yêu thích và tạo sự khác biệt! Cách duy nhất để đạt đến thành công tột bậc là yêu thích những gì bạn làm”
Hoàn toàn đúng! Làm một công việc bạn không thích thì cũng giống như nồi tròn mà úp vung méo. Mỗi ngày bạn đều cố gắng hết sức mình để làm việc, nhưng không bao giờ thật sự đạt được thành công mà bạn cảm
thấy mình đáng được nhận.

6 BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA STEVE JOBS 

Mỗi ngày làm việc là một trận chiến – hoặc ít nhất cũng là một chướng ngại cần vượt qua – bởi vì bạn chỉ cố gắng làm việc cho hết ngày để tối được về nhà, chứ không vui thú gì với công việc.
Khi bạn chỉ chú tâm làm việc cho hết ngày, hoặc tốn thời gian vào những dự án hoặc tác vụ không thú vị, bạn làm công việc khó khăn hơn cho chính mình. Khi bạn có sự đam mê, và bạn yêu thích những gì bạn làm, bạn sẽ làm việc với hiệu suất cao hơn, năng nổ và vui vẻ hơn với mọi người. Bối cảnh nào bạn nghĩ sẽ mang đến thành công một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất? Câu trả lời thật quá rõ ràng!
Vì thế, nếu bạn muốn thật sự thành công trong cuộc sống, đầu tiên, bạn phải dành thời gian và công sức để nhận ra bạn yêu thích việc gì, và sau đó tìm một chiến lược để đạt được nó. Việc này nghe có vẻ đơn giản, nhưng không phải lúc nào cũng dễ làm. Bạn cần chuẩn bị sẵn sàng để tự tiến hành tìm kiếm và khám phá đam mê thật sự của mình là gì (không phải cái bạn nghĩ đồng nghiệp, gia đình, bạn bè và xã hội trông đợi ở bạn). Việc ba mẹ của bạn muốn bạn trở thành một luật sư hay kế toán viên hàng đầu không đồng nghĩa với việc bạn sẽ tìm thấy thành công và niềm đam mê trong công việc đó.

2. Tầm nhìn xa
Theo Steve, “Bạn không nên lo lắng về quá nhiều việc cùng một lúc. Hãy bắt đầu từ một vài việc đơn giản, sau đó mới chuyển qua những việc phức tạp hơn. Hãy suy tính không chỉ cho ngày mai, mà còn cho tương lai.”
Sự quá tải vì công việc có thể cản bước tiến của bạn trên con đường công danh sự nghiệp. Đây là một bệnh dịch ác hiểm, có thể “đè bẹp” nhiều người trên hành trình đến thành công. Vì thế, bạn phải luôn giữ được sự tập trung. Sự quá tải vì công việc “lẳng lặng” đến khi chúng ta quên mất mục tiêu chính của mình và để nhiều việc khác tràn ngập trí não của chúng ta. Một khoảnh khắc bạn tập trung vào một việc tối quan trọng, có thể giúp bạn nhanh chóng đạt đến thành công. Tuy nhiên, ở phút kế tiếp, bạn lại mãi nghĩ về cả trăm việc khác bạn cần làm, và thế là sự quá tải đến!

3.  Hãy nêu cao tinh thần doanh nhân
Steve nói “Hãy tìm kiếm ý tưởng lớn kế tiếp. Tìm ra những ý tưởng cần được hiện thực hóa một cách nhanh chóng và quyết đoán rồi “nhảy” vào thực hiện nó. Đôi khi bước đầu tiên chính là bước khó khăn nhất. Hãy đi bước đầu tiên này! Hãy mạnh dạn theo đuổi tình cảm và trực giác của bạn.”
Không ít lần tôi tình cờ gặp những người thông minh và khôn ngoan đến tuyệt vời. Họ có những ý tưởng rất hay hoặc khả năng kinh doanh, nhưng họ không sẵn sàng để thực hiện “cú nhảy” mà Steve đề cập. Vấn đề ở đây là họ biết họ muốn cái gì, nhưng lại chưa tìm ra cách để có được chúng. Vì thế, họ dừng lại và không tiến thêm nữa.
Mặc dù có một kế hoạch hay chiến lược để hiện thực hóa ý tưởng là rất quan trọng, không nên để việc quá chú trọng vào “LÀM CÁCH NÀO đạt những mục tiêu” khiến công việc của bạn bị đình trệ. Đôi lúc bạn không thể nào biết được tất cả các câu trả lời. Không sao cả, cứ tiếp tục công việc, từng bước một. Cuối cùng, tất cả những chi tiết bạn cần biết sẽ lộ ra. Còn nếu không làm gì cả, bạn sẽ chẳng tiến được đến đâu
Ca sĩ/tay guitar nổi tiếng Jim Rowland đã từng nói “Sự kỷ luật chỉ nặng một ounce còn sự hối tiếc nặng đến một tấn” (1 tấn = 32 000 ounce). Hãy duy  trì tính kỷ luật và lòng dũng cảm để tiến về phía trước theo từng bước nhỏ, và bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc về những tiến bộ bạn đã đạt được.

4. Hãy tạo sự khác biệt
Theo Steve “Hãy tạo sự khác biệt. Hãy suy nghĩ khác mọi người. Chẳng thà làm một tên cướp biển còn hơn là gia nhập đội ngũ hải quân”
Tôi thích câu này của Steve vì cả từ “hải quân” và “cướp biển” đều gợi nhớ cho tôi nhiều điều! Tôi đã làm việc 14 năm trong môi trường công ty (chưa kể một khoảng thời gian ở trong quân dự bị) nhưng tôi đã vứt bỏ những điều đó để thành lập công ty Outshine Consulting and The Success Rules. Hiện tại không có sự lựa chọn nào tốt hơn cái nào, nhưng tôi nghĩ điểm mấu chốt cần suy nghĩ ở đây là bạn muốn nắm giữ vị trí gì trong cuộc sống.
Nếu chúng ta sống trong một thế giới liên tục thay đổi, chúng ta sẽ cảm thấy mọi thứ đều hỗn loạn. 
Tuy nhiên, để trở thành một doanh nhân thành công như Steve Jobs, điều tối quan trọng là bạn phải liên tục tìm cách thay đổi hiện trạng (status quo), tìm kiếm những ý tưởng mới, có đầu óc cách tân và sáng tạo. Việc làm theo những gì có sẵn nhiều khả năng sẽ tạo ra những kết quả cũ hơn là những cái hiện đại và mới mẻ.
Bạn muốn có sự thách thức và thay đổi, hay bạn thích sự ổn định? Hãy thành thật với chính bản thân bởi vì không phải ai cũng có thể làm lính hải quân, và không phải ai cũng có thể làm hải tặc giỏi!

5. Nỗ lực hết mình
Theo Steve “ Hãy nỗ lực hết mình khi làm bất cứ việc gì. Thành công sẽ tạo ra thành công. Vì thế hãy khát khao thành công"
Nếu bạn “mắc kẹt” trong việc suy nghĩ xem làm cách nào để thành công, hoặc chờ đợi thành công đến với mình, bạn sẽ dậm chân tại chỗ. Thành thật mà nói, đứng yên tại chỗ cho thấy bạn không thật sự khát khao thành công.
Bạn cần tiếp tục công việc, và phải năng động vì mỗi một thành công bạn có – dù nhỏ đến đâu - sẽ giúp tạo ra nhiều và nhiều thành công về sau. Khi động lượng tăng lên thì mức độ thành công của bạn cũng tăng theo. Đến lượt mình, nó lại tạo ra thêm nhiều động lượng và động lực làm việc. Trong điều kiện lý tưởng nhất, đó chính là hiệu ứng quả cầu tuyết (Khi một quả cầu tuyết lăn xuống dốc, nó tích lũy thêm nhiều tuyết bám trên bề mặt nên ngày một lớn hơn) Tuy nhiên, bạn vẫn cần có lòng khao khát để đạt được mục tiêu và sẵn lòng hành động để trải nghiệm nó.

6. Không ngừng học hỏi
Theo Steve “Lúc nào cũng có một cái gì đó mới mẻ để bạn học! Trao đổi ý kiến, học hỏi từ khách hàng, đối thủ cạnh tranh và đối tác. Nếu bạn làm việc với một người bạn không thích, hãy học cách thích họ. Hãy khen ngợi họ và thu được lợi ích gì đó từ họ.”
Nếu năng lực của bạn không gia tăng, bạn sẽ chết dần. Đây có thể là một câu khó nuốt, nhưng đó là sự thật. Nếu không phát triển, học hỏi và trưởng thành, bạn sẽ trở nên ốm yếu và chết dần. Bạn muốn mình rơi vào trường hợp nào?
Steve Jobs rõ ràng có được sự cân bằng. Ông không đạt được thành công như ngày hôm nay bằng cách nghỉ ngơi và tận dụng những tri thức sẵn có. Ông liên tục sáng tạo và đổi mới. Điều này chỉ có thể đạt được từ việc không ngừng học hỏi.
Thông qua việc xây dựng một mạng lưới quan hệ xã hội hữu hiệu, bạn có thể học được nhiều điều từ những người thông thái. Họ có thể thách đố tư duy của bạn và giúp bạn phát triển ý tưởng và chiến lược mới để đạt được thành công. Học tập cũng giống như tiêu tiền. Bạn có thể mở mang kiến thức mỗi ngày bằng cách nhận thức ưu điểm của những người xung quanh bạn, hoặc đọc sách thay vì ngồi trước màn hình. Sự lựa chọn là của bạn.
(Theo Ezinearticles.com)

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

10 điều không nên bỏ qua về công việc mới

(Dân trí) - Bạn đang phân vân nên hay không nhận lời làm công việc mới? Bạn hãy nhớ rằng đây là một sự thay đổi nghề nghiệp, có thể là bước tiến lớn trong sự nghiệp của bạn hoặc ngược lại. Vì vậy, bạn cần suy nghĩ cẩn thận.
1. Tình hình tài chính của công ty có ổn định hay không?
Mọi người thường thích làm việc cho công ty đang mở rộng cơ cấu. Tuy nhiên, họ cũng thường mắc sai lầm là không tìm hiểu tính ổn định về tài chính của những công ty đang “phình to” này. Nếu những công ty này sụp đổ, các nhân viên cũng sẽ sụp đổ theo. Vì vậy, hãy tìm hiểu càng nhiều càng tốt.

2. Mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dại hạn của công ty là gì?
Bạn mong muốn làm việc cho công ty có những mục tiêu rõ ràng, những chiến lược cụ thể hay một công ty thích phát triển kiểu “tự do”? Nếu một công ty không đủ sức sáng tạo và tiên phong so với những đối thủ của nó, nó có thể sẽ không thể tồn tại lâu dài.

3. Bộ phần bạn làm việc có thể tồn tại trong bao lâu?
Nếu nó là một bộ phận mới, bạn sẽ phải chứng minh bản thân với những đồng nghiệp còn lại trong nhóm- tình thần làm việc, sức sáng tạo, chập nhận và vượt qua thử thách sẽ là những việc bạn cần làm để đem lại thành công mang tính lâu dài.

4. Phong cách quản lý của sếp mới?
Nếu sếp bạn luôn đưa ra những góp ý kiểu như “ Tôi làm thế này, nhân viên không làm thế kia…”. Cho thấy sếp bạn là người thích ra lệnh. Nếu sếp bạn là người thích sử dụng những cụm từ “chúng ta”, “mọi người”, “cả đội”, anh/chị ta là người luồn đề cao tình thần đồng đội, sự đoàn kết. Người quản lý là một nhân tố vô cùng quan trọng để bạn cần xem xét kĩ trước khị nhận lời vào làm tại công ty đó.

5. Mức độ nhân viên nhảy việc ở công ty hay bộ phận của bạn?
Nếu mức độ này cao chứng tỏ đây không phải là một văn phòng vui vẻ để làm việc. Bạn hãy đặt câu hỏi tại sao trong một thời gian ngắn công ty lại thay đổi nhiều nhân sự đến vậy? Chắc chắn sẽ có lý do cho bạn cân nhắc.

6. Hãy yêu cầu được gặp gỡ các đồng nghiệp và thăm văn phòng!
Đây sẽ là cơ hội cho bạn thấy được văn hóa làm việc tại công ty này, bạn được gặp gỡ và nói chuyện với những đồng nghiệp. Họ sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về công việc bạn định làm.

7. Nếu có thể, bạn hãy yêu cầu được gặp người đang làm ở vị trí bạn muốn làm.
Nếu công ty từ chối lời đề nghi của bạn, có thể họ đang muốn giấu giếm một điều gì hoặc có thể người đó đã chuyển đển một công ty khác. Bạn có thể hỏi anh/chị ấy làm công việc này trong bao nhiêu lâu. Nếu bạn có cơ hội nói chuyện với anh/ chị ta, bạn hãy hỏi phong cách làm việc của sếp, anh/ chị ta có hay đưa ra những yêu cầu vô lý, anh/ chị ấy có ủng hộ việc làm muộn…Đây có thể là những nhân tố quan trọng đánh giá liệu bạn có phù hợp với văn hóa công ty hay không.

8. Chế độ liên quan đến tăng lương, khen thướng? Có hệ thông đánh giá chất lượng công việc tốt?
Liệu có sự khác biệt nào nếu bạn làm việc 8 giờ hay 18 giờ không? Hay liệu mọi người được trả lương như nhau bỏ qua chất lượng công việc? Nếu một công ty không trả tiền làm quá giờ hay không có một chế độ tăng lương hợp lý, họ sẽ mất dần nhân viên. Và chắc chắn một điều bạn cũng không muốn làm việc trong một môi trường như vậy.

9. Phát triển nghề nghiệp ở công ty bạn thế nào?
Môt trong những lý do chính khiên nhân viên nghỉ việc là do công ty thiếu các khóa đào tạo, định hướng và phát triển sự nghiệp. Hãy tìm hiểu và xem liệu công ty có những chính sách tốt giúp bạn nâng cao những kĩ năng, và phát triển sự nghiệp.

10. Hãy luôn luôn ghi nhớ
Bạn có quyền được đặt ra các câu hỏi.

Vũ Vũ
Theo Career

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

GROW – Mô hình huấn luyện nhân viên hiệu quả

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà lãnh đạo là huấn luyện và đào tạo (coaching) nhân viên để họ làm việc đạt hiệu quả cao nhất. Với vai trò này, nhà lãnh đạo sẽ giúp nhân viên cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề, ra quyết định tốt hơn, học được những kỹ năng mới và thăng tiến trong sự nghiệp.
Không phải nhà lãnh đạo nào cũng có may mắn được đào tạo bài bản về kỹ năng huấn luyện nhân viên và đa phần để có được kỹ năng này họ đều phải tự học. Điều này nghe có vẻ nản lòng. Tuy nhiên, nếu bạn nắm được một số phương pháp chính yếu, tìm cơ hội để thực tập và tin vào khả năng của mình, bạn có thể trở thành một người huấn luyện tốt và giúp tăng hiệu quả làm việc của đội nhóm do bạn quản lý.
Một trong những phương pháp hữu ích để huấn luyện nhân viên là sử dụng mô hình GROW. Đây là từ viết tắt của Goal (Mục tiêu), Current Reality (Thực tại), Options (Giải pháp) và Will (Ý chí).

Mô hình GROW là gì?

Bạn có thể hình dung mô hình GROW giống như kế hoạch bạn lập cho một chuyến hành trình quan trọng.


Đầu tiên, bạn cần lập lộ trình chuyến đi. Dựa trên lộ trình này, bạn giúp các thành viên trong nhóm quyết định địa điểm họ định đến (mục tiêu) và xác định vị trí hiện nay của họ (thực tại). Sau đó, bạn suy nghĩ những cách thức khác nhau (lựa chọn giải pháp) để thực hiện chuyến đi. Ở bước cuối cùng (hun đúc ý chí), bạn cần bảo đảm tất cả thành viên nhóm của bạn đều quyết tâm thực hiện chuyến đi và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống và trở ngại họ gặp trên đường.

1. Thiết lập mục tiêu:

Đầu tiên, bạn cùng với các thành viên khác trong nhóm sẽ xác định các mục tiêu cần đạt được. Mục tiêu này cần cụ thể, đo lường được và có tính hiện thực. Ớ bước này, bạn có thể sử dụng một số câu hỏi sau:
“Làm cách nào bạn biết mình đã đạt được mục tiêu?”
“Làm cách nào bạn biết mình đã giải quyết được vấn đề?”

2. Xem xét, đánh giá hiện trạng công việc:

Hãy yêu cầu các thành viên trong nhóm cho bạn biết tình trạng công việc của họ. Bạn phải nắm chắc điều này thì mới có thể cùng họ tìm ra giải pháp được. Ở bước này, bạn có thể sử dụng một số câu hỏi sau:
  - “Tình hình hiện nay ra sao?”
  - “Làm gì, ai làm, làm khi nào và bao lâu một lần”
  - “Tác động hoặc kết quả của một hành động nào đó?”

3. Tìm kiếm giải pháp:

Một khi bạn và nhân viên đã nắm được tình trạng hiện nay của công việc, hãy bắt đầu tìm kiếm tất cả những giải pháp khả dĩ để giải quyết vấn đề rồi cùng bàn bạc. Đương nhiên, bạn sẽ phải đưa ra giải pháp của riêng bạn. Tuy nhiên, hãy để nhân viên của bạn đưa ra giải pháp trước cũng như cho họ cơ hội để trình bày ý kiến. 
 Ở bước này, bạn có thể sử dụng một số câu hỏi sau:
  - “Các anh (chị) còn có thể làm gì nữa?”
  - “Ưu và nhược điểm của mỗi giải pháp?”
  - “Bạn dựa vào yếu tố nào để xem xét, đánh giá cơ may thành công của các giải pháp?”

4. Hun đúc ý chí:

Sau khi xem xét, đánh giá tình hình thực tế và tìm giải pháp, thành viên trong nhóm của bạn đã hình dung một rõ ràng cách thức họ có thể đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Bạn cần giúp họ có được lòng quyết tâm, ý chí và động lực để biến chúng thành hành động cụ thể. Hãy hỏi họ những câu sau:
- Vậy thì bạn sẽ làm gì vào thời điểm hiện tại?
- Điều gì có thể khiến ngăn trở bạn tiến hành công việc?
- Bạn làm cách nào để vượt qua trở ngại này?
- Việc này có giúp bạn đạt được mục tiêu không?
- Xác suất thành công của giải pháp này có cao không?
- Bạn còn muốn làm việc gì khác nữa?

3 bí quyết để áp dụng mô hình hiệu quả

1.Ý thức rõ vai trò của bạn 

Trên lý thuyết, khi áp dụng mô hình GROW, người huấn luyện không đóng vai trò một chuyên gia mà là người gợi mở để người được huấn luyện có thể thoải mái trình bày ý kiến, giúp họ chọn được giải pháp tốt nhất, chứ không cho họ lời khuyên hay sự định hướng nào.
Tuy nhiên, nếu bạn là nhà lãnh đạo thì mọi việc sẽ khác. Nhiệm vụ của bạn là phải cung cấp cho nhân viên những kiến thức mới và định hướng để nhân viên chọn được những giải pháp tốt nhất cho tổ chức.

2. Hãy tập giải quyết những vấn đề của bạn trước

Phương pháp lý tưởng để thực tập sử dụng mô hình GROW là hãy dùng nó để giải quyết những vấn đề bạn gặp trước. Nhờ vậy, bạn sẽ học được cách hỏi những câu hữu ích nhất. Hãy ghi lại những câu hỏi này để sử dụng trong những lần bạn huấn luyện cho nhân viên trong tương lai.

3. Đặt những câu hỏi hay và lắng nghe người khác kỹ càng

Hai kỹ năng quan trọng nhất của một chuyên gia huấn luyện là đặt câu hỏi và lắng nghe. Bạn không nên đặt những câu hỏi đóng kiểu: “Việc này có gây khó khăn gì cho anh (chị) không?”… mà hãy đặt những câu hỏi mở như: “Việc này gây ra những ảnh hưởng gì đến anh (chị)?”… Ngoài ra, bạn nên để nhân viên nói trong phần lớn thời gian còn bạn thì chú ý lắng nghe họ. Bạn không nên hỏi liên tục mà nên có khoảng dừng để nhân viên (và cả bạn) có thời gian suy nghĩ.
(Theo mindtools.com)

Tìm lại tình yêu công việc!

Sau những trận bóng đá xuyên lục địa liên tục cùng những cuộc quay quảng cáo tuy lắm tiền nhưng rút hết sức lực, David Beckham luôn bí mật tổ chức những kỳ nghỉ lãng mạn cùng vợ, mới nhất là chuyến nghỉ mát tại quần đảo Seychelles trên Ấn Độ Dương.
Dù là một siêu sao quốc tế như Beckham, một tổng giám đốc, hay là một nhân viên bình thường, thì kỳ nghỉ luôn là khoảng thời gian cần thiết cho mọi người sau những ngày làm việc mệt mỏi, bế tắc trong công việc. Những kỳ nghỉ thú vị sẽ giúp ta lấy lại sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, tìm lại được niềm đam mê trong lòng.
Tuy nhiên, dù nghỉ để thư giãn, du lịch hay vì việc riêng… thì cũng sẽ có rất nhiều trở ngại khi ta trở lại với công việc sau một kỳ nghỉ dài hạn, như: không bắt kịp với tiến độ, không nắm vững những dự án mới, quên việc, vẫn còn dư âm của kỳ nghỉ nên uể oải thiếu tinh thần, không tập trung… dẫn đến làm việc kém hiệu quả, trong khi công việc thì dồn lại như “núi”.


Vậy làm sao để khơi dậy niềm hứng khởi làm việc vốn đã “ngủ đông” sau kỳ nghỉ? Không chỉ vực lại tinh thần khi đi làm lại, bạn còn cần “hành động” ngay từ trước và trong kỳ nghỉ.

Chuẩn bị trước khi nghỉ phép

Trước khi nghỉ phép, bạn nên lập ra một bản kế hoạch rõ ràng để có thể kiểm soát tối đa công việc trước và sau kỳ nghỉ. Hãy hoàn thành những dự án cần thiết, thông báo với các đồng nghiệp & khách hàng về thời gian bạn vắng mặt qua điện thoại và email. Hãy chỉ dẫn tận tình người sẽ tiếp quản công việc của bạn để mọi việc có thể “chạy” tốt. Với những dự án cần đầu tư suy nghĩ, bạn nên “cất” trong đầu để có thể tư duy ngay cả trong kỳ nghỉ, thi thoảng để đầu óc hoạt động một chút cũng là điều hay.

Giữ liên lạc với công ty

Nghỉ phép không có nghĩa là bỏ quên công ty. Bạn nên giữ liên lạc với sếp, đồng nghiệp trong nhóm cũng như phòng nhân sự để có thể nắm rõ tình hình ở công ty. Ngoài điện thoại và email, bạn có thể tham gia vào những mạng kết nối xã hội như Facebook để cập nhật thông tin về những hoạt động của đồng nghiệp. Điều đó sẽ giúp bạn thắt chặt mối quan hệ gắn bó và không cảm thấy bỡ ngỡ khi đi trở lại làm việc, đối mặt với những thay đổi trong công ty.

“Làm quen” lại với nhịp độ công việc

Sau một kỳ nghỉ dài bất kể vì lý do gì, giờ giấc sinh hoạt của bạn hẳn đã bị xáo trộn. Để “làm quen” với nhịp độ công việc trở lại, trước khi đi làm làm một tuần, bạn hãy soạn một lịch trình như trước khi nghỉ phép và tuân thủ sinh hoạt đúng thời gian theo lịch đã đề ra. Ngày đầu tiên đi làm lại, bạn hãy chào hỏi tất cả mọi người, sau đó sắp xếp bàn làm việc của mình thật gọn gàng sạch sẽ, chuẩn bị cho một giai đoạn làm việc mới.

Đề ra những mục tiêu cụ thể

Việc đưa ra và chú tâm thực hiện những mục tiêu cụ thể từ nhỏ đến lớn là điều rất cần thiết để bạn tìm lại niềm hứng khởi cũng như trách nhiệm trong công việc. Mục tiêu ấy có thể là nắm vững dự án mới, hoàn thành tốt một nhiệm vụ mà sếp vừa giao, hay là tham gia một khóa học bổ ích để tiếp thu kỹ năng và kiến thức về một lĩnh vực mới mà công ty vừa mở rộng…

Thắp lại ngọn lửa đam mê

Quan trọng nhất vẫn là bạn cảm thấy vui khi làm việc. Hãy chủ động đề nghị sếp cho bạn tham gia vào những việc mà bạn cảm thấy hứng thú và tự tin sẽ hoàn thành tốt, hoặc một dự án mang tính thách thức khiến bạn dồn hết tâm lực, bởi điều đó sẽ làm khơi dậy niềm đam mê công việc của bạn. Thậm chí sau kỳ nghỉ, nếu cảm thấy công ty cũ đã không còn phù hợp với mình, bạn có thể nghĩ đến việc thử sức ở một môi trường mới, như Beckham đã từ giã Manchester United để đến Real Madrid và kế đó là Los Angeles Galaxy để tiếp tục thành công.
Công việc cũng là một người tình! Một khi tìm lại được tình yêu, thắp sáng ngọn lửa đam mê, bạn mới có thể tiếp tục nuôi dưỡng sự sáng tạo và hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất, như đôi chân vàng của David Beckham vẫn chạy tốt sau hơn 15 năm gắn bó cùng môn thể thao vua.

Nhà quản lý, hãy để nhân viên tự “lớn”!

Bạn vừa giao một công việc quan trọng cho một nhân viên có năng lực, và cho anh (cô) ấy biết thời hạn chót để hoàn thành. Sau đó, bạn làm gì tiếp theo? Để nhân viên tự tiến hành công việc và chỉ kiểm tra theo từng mốc thời gian đã định? Hay bạn sẽ liên tục gặp anh (cô) ấy và gửi email để kiểm tra tiến độ thực hiện công việc? 
 
Nếu rơi vào trường hợp thứ hai, có lẽ bạn thuộc dạng nhà quản lý quá coi trọng tiểu tiết.
Nhà quản lý quá coi trọng tiểu tiết là những người cầu toàn đến mức cực đoan vì luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ phải kiểm soát mọi thứ, hoặc cảm thấy mình có trách nhiệm phải luôn thúc đẩy mọi người làm việc để đạt đến thành công. Vì thế, họ không dám phân quyền cho nhân viên. Hậu quả là họ làm nhân viên mất tự tin, suy giảm hiệu quả làm việc và cảm thấy khó chịu, đôi lúc đến mức phải nghỉ việc.Tuy nhiên, thật may mắn là luôn có những cách xác định sớm bệnh “thích kiểm soát” này ở các nhà quản lý đểloại trừ nó trước khi nó gây nhiều tác hại.

 

Còn nếu là nhân viên và không may mắn có một vị sếp như vậy, bạn cũng có thể vận dụng một số chiến lược nhằm thuyết phục sếp để bạn được làm việc một cách độc lập.
Đầu tiên, bạn cần nhận dạng những dấu hiệu của một nhà quản lý quá  coi trọng  tiểu tiết. Đâu là sự khác biệt giữa một vị sếp theo sát công việc và một vị sếp theo sát công việc đến mức thái quá, làm nhân viên phát bực?

Những biểu hiện của một nhà quản lý quá coi trọng đến tiểu tiết

Dưới đây là một số biểu hiện cho thấy bạn là một vị sếp quá coi trọng  tiểu tiết (hoặc bạn đang có một vị sếp như vậy):
_  Không chịu ủy quyền cho cấp dưới
_  “Mải mê” giám sát dự án của người khác
_   Coi trọng những chi tiết vụn vặt hơn là nhìn bao quát vấn đề
_  Thu hồi ngay công việc đã giao cho nhân viên nếu phát hiện họ mắc sai sót
_  Yêu cầu nhân viên không nên ra quyết định khi chưa hỏi ý kiến mình

Quá coi trọng tiểu tiết – Lợi hay hại?

Những vị sếp quá coi trọng tiểu tiết thường đưa ra một lý do có vẻ rất thuyết phục để giải thích cho cách quản lý của họ. Đó là nếu họ giao việc cho nhân viên rồi “biến mất” cho đến sát thời hạn chót để hoàn thành thì nhân viên sẽ khó lòng hoàn thành tốt công việc và tiến bộ được. Hơn nữa, nếu bộ máy vẫn đang vận hành trôi chảy thì tại sao lại không duy trì cách quản lý này?
Sẽ là không sai nếu nhân viên có một sự tự tin khác thường vào năng lực của mình. Nhưng trên thực tế, đa số nhân viên sẽ nhanh chóng trở nên nhút nhát, e dè và thiếu tự tin với cách quản lý như vậy. Nhân viên có thể nghĩ: “Mình làm gì cũng không vừa ý sếp”. Hệ quả là nhân viên sẽ liên tục hỏi sếp cách tiến hành công việc, hoặc sẽ tự làm, nhưng kết quả cuối cùng thì sẽ không tốt. Điều này càng làm sếp cảm thấy mình hết sức đúng đắn khi can thiệp vào công việc của nhân viên.
Nhưng liệu những kết quả này có thật sự chứng thực giá trị của phong cách quản lý quá chặt chẽ này, hay rốt cuộc lại phản bác nó? Một nhà quản lý thật sự có tài phải tạo điều kiện để nhân viên phát triển. Trong khi đó, nhà quản lý quá coi trọng tiểu tiết thì lại ngăn cản nhân viên tự ra quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định ấy. Mà chúng ta đều biết rằng chính quá trình ra quyết định và chịu trách nhiệm mới giúp con người trưởng thành.
Chỉ có những vị sếp thiếu năng lực mới ôm hết việc vào mình. Một nhân viên không được phân quyền là một người không làm được việc gì ra hồn, lúc nào cũng phải trông chờ vào cấp trên.
Nếu mất quá nhiều thời gian và công sức quản lý một tập thể toàn những nhân viên “không làm được việc” như thế thì sớm muộn sếp cũng sẽ bị kiệt sức. Làm sao bạn có thể làm tốt những công việc mang tính chiến lược như hoạch định nếu suốt ngày bạn cứ phải lo giải quyết những chuyện vụn vặt ở bộ phận của mình? 

Nhà quản lý quá coi trọng tiểu tiết - Đã đến lúc thay đổi!

Nếu đã nhận dạng được những biểu hiện của cách quản lý quá coi trọng tiểu tiết và thấy được tác hại của nó, bạn nên làm gì để chấm dứt những hành vi này (nếu là bạn là sếp) hoặc tránh bị tổn hại bởi chúng (nếu bạn là nhân viên)?
Nếu bạn là sếp, cách tốt nhất để xây dựng một mối quan hệ tốt hơn với nhân viên là đối thoại với họ. Có lẽ bạn sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể mới có thể thuyết phục họ bạn thật sự muốn thay đổi. Tuy nhiên việc khó nhất là đón nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn của nhân viên về cách quản lý của bạn. Sau đó, như lời khuyên của chuyên gia tư vấn quản lý Marshall Goldsmith, bạn hãy nhận lỗi và tiến hành thay đổi cách quản lý, tức là bạn cần biết cách ủy quyền và phân quyền hợp lý cho nhân viên. Hãy bắt đầu trước tiên từ những nhân viên triển vọng nhất. 
Nếu bạn là nhân viên thì mọi việc sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hiện một số việc sau để cải thiện tình hình:
·    Tạo điều kiện để sếp giao việc cho bạn hiệu quả hơn bằng cách yêu cầu sếp cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và thỏa thuận những mốc thời gian để duyệt xét kết quả ngay từ lúc đầu.
·    Tình nguyện đứng ra đảm trách những công việc hay dự án mà bạn tự tin mình có thể làm được. Việc này sẽ khiến sếp tin tưởng bạn hơn và cải thiện khả năng ủy quyền của ông (bà) ấy.
·    Thường xuyên báo cáo cho sếp về tiến độ thực hiện công việc để sếp khỏi mất công tìm kiếm thông tin chỉ vỉ lâu quá ông (bà) ấy không thấy bạn báo cáo.
·    Cùng một lúc, bạn chỉ nên giúp sếp thay đổi một thói quen của cách quản lý cũ. Bạn cần nhớ sếp cũng chỉ là con người nên vẫn có thể mắc sai lầm!
Tóm lại, khi một vị sếp không muốn ủy quyền cho cấp dưới, thích “bới lông tìm vết” và không thích nhân viên tự ra quyết định thì nhiều khả năng người này đang ngả theo phong cách quản lý quá coi trọng tiểu tiết. Quản lý theo kiểu này sẽ khiến nhân viên không “lớn” được và cản trở thành tựu mà tập thể có thể đạt được.
Việc đầu tiên để tránh sa vào cung cách quản lý này là nhận diện những biểu hiển của nó bằng cách đối thoại với nhân viên hay sếp. Nếu là nhân viên, bạn hãy chỉ cho sếp thấy còn có nhiều cách quản lý hiệu quả hơn. Nếu là sếp, bạn hãy cải thiện khả năng giao việc của mình cũng như biết đặt lòng tin vào khả năng làm việc và trưởng thành của nhân viên.
(Theo mindtools.com)

Quy tắc PERMA cân bằng cuộc sống

Ai cũng mong muốn một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ. Khi hạnh phúc, bạn làm việc hiệu quả hơn, mối quan hệ với mọi người xung quanh tốt đẹp hơn, và bạn cảm thấy mọi thứ thật tuyệt! Quy tắc PERMA chỉ ra cho bạn 5 yếu tố cần thiết để sống tích cực, cân bằng từ đó bạn sẽ hạnh phúc và thành công hơn trong công việc lẫn cuộc sống.
Quy tắc này được Martin Sligman, một nhà tâm lý học rất có uy tín công bố rộng rãi trong quyển “Flourish” (Thành đạt) của ông – một quyển sách có tầm ảnh hường lớn xuất bản năm 2011. PERMA gồm 5 yếu tố sau:

1. Những cảm xúc tích cực (P – Positive Emotions)

Những cảm xúc tích cực có thể kế đến như cảm giác hài lòng, hạnh phúc, thỏa mãn, bình yên, vui vẻ, tràn đầy hứng khởi… Những cảm xúc này mang đến cho bạn một nguồn năng lượng tràn trề cho công việc lẫn cuộc sống. Vì vậy, nếu bạn thấy mình vẫn chưa nếm trải đủ những cảm xúc tích cực trong cuộc sống, hãy ngừng lại
 và tự hỏi tại sao.


Quy tắc PERMA cân bằng cuộc sống

Trước tiên, xét về khía cạnh nghề nghiệp. Bạn đã thực sự phát huy hết tài năng và thế mạnh của mình trong vai trò hiện tại chưa? Bạn chỉ có thể hài lòng và hạnh phúc với công việc khi làm đúng việc yêu thích và phù hợp. Đồng thời, hãy dành đôi chút thời gian để xác định ai hay điều gì có thể đem lại niềm vui cho bạn. Ví dụ bạn thích được ở ngoài trời và hòa mình vào thiên nhiên. Vậy sao bạn không thử mang một chút mảnh xanh vào văn phòng hay góc làm việc của mình để cảm nhận được sự bình yên? Đơn giản là để thổi vào nếp sống thường nhật của bạn những luồng cảm xúc tích cực và những nguồn vui mới. Đừng trì hoãn những việc mang lại cho bạn khoảnh khắc hạnh phúc!

2. Sự gắn kết (E - Engagement)

Chỉ khi gắn kết thật sự với những việc đang làm, bạn mới đạt được kết quả tốt nhất. Cách tốt nhất để thật sự gắn kết với công việc là hãy yêu thích công việc đó. Hãy tìm những khía cạnh trong công việc mà bạn yêu thích như những dự án phù hợp, những người đồng nghiệp thân thiện, môi trường làm việc hay những điều bạn có thể học hỏi được. Nếu bạn không thể trả lời được câu hỏi “Bạn thích gì ở công việc hiện tại?”, đã đến lúc bạn tìm cho mình công việc mới thích hợp hơn.
Tiếp đó, hãy gắn kết bản thân với những điều bạn yêu thích trong cuộc sống. Chẳng hạn như đọc sách, xem phim, đi dạo, gặp gỡ bạn bè hay chơi thể thao… Chính những sở thích này sẽ giúp bạn giảm stress, lấy lại cân bằng.


3. Những mối quan hệ tích cực (R – Positive Relationships)

Con người là “những thực thể xã hội”, và những mối quan hệ tốt chính là cốt lõi của sự thành công. Thông thường, những người có mối quan hệ tích cực và nhiều ý nghĩa thường hạnh phúc hơn những ai không có được điều đó.
Bạn có những mối quan hệ tích cực trong cuộc sống không? Đó có thể là mối quan hệ gia đình, bạn bè, hay đồng nghiệp. Phần lớn thời gian của bạn tại nơi làm việc, mối quan hệ tốt với đồng nghiệp sẽ hỗ trợ bạn đắc lực trong công việc và giúp cân bằng cuộc sống nơi công sở. Xem bài 7 cách đắc nhân tâm nơi công sở để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp.
Tiếp đến, hãy nhìn lại cuộc sống cá nhân của bạn. Đã bao lâu rồi bạn chưa gặp người bạn thân? Sinh nhật của cha/mẹ bạn là ngày nào và bạn đã chuẩn bị gì chưa? Đôi khi cuộc sống bận rộn làm bạn xao lãng những mối quan hệ gia đình, bạn bè, những người luôn ở bên bạn dù bạn thành công hay thất bại. Hãy cam kết sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè và duy trì điều này thật đều đặn. Bạn không thể hạnh phúc khi không có họ trong cuộc đời này!

4. Ý nghĩa cuộc sống (M – Meaning)

Ý nghĩa cuộc sống đến từ việc phục vụ cho một mục đích lớn lao hơn chính bản thân mình. Mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau về ý nghĩa cuộc sống, đó có thể xuất phát từ tôn giáo hay từ mong muốn một cuộc sống tốt đẹp cho mọi người. Hãy tìm kiếm ý nghĩa trong từng việc bạn làm để nuôi dưỡng cho mình cảm xúc vui sống. Ví dụ, công việc bạn đang làm phục vụ cho ai, và mang lại cho họ những gì? Đây chính là động lực giúp bạn làm tốt công việc với niềm tự hào. Ngoài ra hãy dành thời gian bên gia đình, tham gia các hoạt động từ thiện… tất cả điều này giúp bạn sống có ý nghĩa hơn, khi đó bạn sẽ cảm thấy thật sự hài lòng.

5. Thành tích (A - Accomplishments/Achievement)

Nhiều người trong chúng ta luôn phấn đấu để hoàn thiện bản thân theo một cách nào đó – có thể là phát triển một kĩ năng, thăng tiến trong công việc hay chiến thắng ở một cuộc thi. Không lời nào có thể diễn tả được niềm vui và niềm tự hào khi đạt được những thành tích trên.
Thành tích chính là những mục tiêu bạn luôn cố hết sức để đạt được trong công việc lẫn cuộc sống. Xác định điều bạn thực sự muốn và đạt được những điều này sẽ giúp cuộc sống thăng hoa. Vậy đâu là những điều bạn muốn? Trả lời một số câu hỏi sau sẽ giúp bạn:
-    5 giá trị quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn là gì?
-    3 mục tiêu quan trong nhất trong đời bạn, ngay lúc này là gì?
-    Nếu hôm nay bạn biết rằng mình chỉ còn sống trong 6 tháng, bạn sẽ làm gì với khoảng thời gian còn lại?
-    Bạn sẽ làm gì nếu ngày mai bạn trúng 1 triệu đô la tiền mặt?
-    Bạn đã luôn muốn làm gì, nhưng lại ngại thử sức?
-    Bạn thích làm gì nhất? Điều gì đem lại cho bạn cảm giác tự hào và hài lòng về bản thân nhất?
-    Giả sử bạn biết mình sẽ không thất bại, thì điều vĩ đại nhất bạn từng dám ước mơ là gì?
Tuy nhiên, nếu quá thúc ép bản thân đạt được nhiều thành tích hơn, bạn sẽ cảm thấy áp lực và mệt mỏi dẫn đến mất cân bằng trong công việc và cuộc sống. Nếu bạn đang rơi vào trạng thái này thì đây có lẽ là thời điểm để nhìn lại và tập trung vào những yếu tố khác của quy tắc PERMA.
Chúc bạn tìm được cân bằng trong cuộc sống!
Lược dịch theo Mindtools

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Quản lý thời gian – 7 sai lầm cần tránh

Quản lý thời gian thiếu hiệu quả có thể dẫn đến stress và mất cân bằng trong công việc lẫn cuộc sống. Để cải thiện kỹ năng này, bạn cần khắc phục 7 sai lầm thường gặp trong quản lý thời gian. Khi thật sự kiểm soát được thời gian, những căng thẳng áp lực sẽ giảm bớt và hiệu suất công việc chắc chắn được cải thiện. Khi đó, bạn có thể dành nhiều thời gian cho những ý tưởng mới hứa hẹn đem lại những bước tiến mới trong sự nghiệp. Nói một cách ngắn gọn, bạn sẽ hạnh phúc và thành công hơn với công việc của mình.

Sai lầm thứ 1: Không đặt mục tiêu cho bản thân

Đặt mục tiêu cho bản thân rất quan trọng để bạn quản lý thời gian hiệu quả, vì những mục tiêu giúp bạn định hướng rõ ràng cho con đường sự nghiệp. Khi đã biết rõ nơi muốn đến, bạn có thể chủ động cho những việc cần ưu tiên. Việc lập mục tiêu cũng giúp bạn quyết định đâu là việc đáng để dành thời gian và đâu là những  thứ chỉ gây xao lãng.

Quản lý thời gian – 7 sai lầm cần tránh 

Hãy nhớ đặt mục tiêu theo quy tắc SMART: Specific – Cụ thể, Measurable – Đo lường được, Attainable – Khả thi, Relevant – Phù hợp, và Time-bound – Có thời hạn xác định.

Sai lầm thứ 2: Không lên danh sách những việc cần làm

Đã bao giờ bạn quên không làm một việc quan trọng nào đó? Nếu đúng thế, có lẽ bạn đã không sử dụng một To-Do List – danh sách những việc cần làm – để kiểm soát công việc. Để lập To-Do List, hãy viết ra tất cả những việc bạn cần phải hoàn tất trong ngày. Đối với những dự án có khối lượng công việc lớn, hãy chia nhỏ theo từng giai đoạn. Danh sách càng chi tiết, bạn càng dễ quản lý, không bỏ sót việc nào và không cảm thấy nặng nề với những công việc lớn. Ví dụ: thay vì viết “Lập kế hoạch bán hàng cho quý 4”, bạn nên viết chi tiết như “Xem lại danh sách khách hàng” “Đánh giá tình hình doanh số”…  Sau khi đã có danh sách, bạn có thể dùng hệ thống ký hiệu từ A-D: A cho những việc có độ ưu tiên cao còn D cho những việc không cần nhiều ưu tiên.

Sai lầm thứ 3: Không dành quyền ưu tiên

Bí quyết để sử dụng To-Do List hiệu quả nằm ở việc xác định mức độ ưu tiên công việc. Đôi khi thật khó để quyết định nên ưu tiên việc nào, nhất là khi bạn phải đương đầu với hàng loạt công việc cùng một lúc và việc nào cũng gấp.
Quản lý thời gian hiệu quả và đạt được những điều bạn muốn đồng nghĩa với việc dành thời gian cho những việc thật sự quan trọng chứ không chỉ đơn thuần là cấp bách. Hiểu rõ sự khác biệt giữa quan việc quan trọng và việc cấp bách sẽ giúp bạn xác định được việc nào cần ưu tiên:
•    Những việc quan trọng đem đến những kết quả giúp bạn đạt được muc tiêu của mình.
•    Những việc cấp bách đòi hỏi sự lưu tâm tức thời và thường đi kèm với việc đạt được mục tiêu của một ai đó khác.

Sai lầm thứ 4: Không thể kiểm soát những yếu tố gây xao lãng

Sự phân tâm có thể tiêu tốn của chúng ta đến hai giờ đồng hồ mỗi ngày. Đó có thể là những email không liên quan đến công việc, chat, đồng nghiệp cần tâm sự…
Hãy giảm thiểu những yếu tố gây xao lãng này! Ví dụ, hãy cương quyết tắt các cửa sổ IM chat khi bạn cần tập trung, và nếu ai đó đang làm bạn xao lãng, đừng ngại nói với họ điều đó. Bạn cũng cần học cách nâng cao khả năng tập trung, bắt đầu bằng một bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng và uống thật nhiều nước trong ngày. Đừng ôm đồm quá nhiều việc một lúc, đóng cửa phòng lại và nghe một chút âm nhạc nếu điều này giúp bạn thấy tập trung.

Sai lầm thứ 5: Ôm đồm quá nhiều việc

Bạn có phải là người khó nói “không” với người khác? Nếu đúng thế, hẳn bạn đang đối mặt với cả núi những dự án và cam kết. Chính điều này khiến bạn giảm hiệu suất làm việc, stress và suy sụp tinh thần. Trước khi nhận một công việc, bạn hãy tự đặt cho mình một vài câu hỏi quan trọng sau:
•    Yêu cầu công việc có đúng với mục tiêu và mục đích làm việc của tôi không?
•    Tôi có phải là người làm việc này tốt nhất không?
•    Tôi có thời gian để làm việc này không?
Nếu câu trả lời của bạn là “không” cho 3 câu hỏi nào nêu trên, tốt nhất bạn cũng nên nói “không” với công việc ấy. Mặt khác, sẽ thiếu chuyên nghiệp nếu từ chối một công việc chỉ vì bạn không muốn làm, bạn không hiểu phải làm thế nào, công việc này tốn nhiều thời gian của bạn, hay công việc thật rối rắm và phức tạp. Vì vậy, 3 câu hỏi trên sẽ giúp bạn đưa ra lý do hợp lý để từ chối.

Sai lầm thứ 6: Làm nhiều việc cùng lúc

Để hoàn thành nhanh khối lượng công việc, bạn Hoa thường vừa viết email vừa trò chuyện điện thoại với khách hàng. Hoa nghĩ rằng mình đã sử dụng thời gian hiệu quả, sự thật là khi làm nhiều việc cùng một lúc, bạn sẽ phải mất thêm 20-40% khoảng thời gian cần thiết để hoàn tất so với khi làm tuần tự từng việc một. Kết quả là Hoa không làm tốt cả hai việc – email thì đầy những lỗi sai còn khách hàng rất phật ý vì sự kém tập trung của Hoa.
Vì thế, tốt nhất bạn nên tập trung giải quyết từng việc một. Như thế, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn với chất lượng công việc tốt hơn.

Sai lầm thứ 7: Không dành vài phút giải lao

Bạn nghĩ rằng sẽ thật hay nếu mình có thể làm việc liên tục 8-10 giờ đồng hồ không ngừng nghỉ, nhất là khi đang cận kề với deadline. Tuy nhiên, không ai có thể tập trung làm việc với năng suất cao mà không dành cho bộ não của mình đôi chút thời gian để nghỉ ngơi và nạp năng lượng.
Vì vậy, bạn đừng bỏ qua những phút giải lao và cho đó là “lãng phí thời gian”. Giờ giải lao đem lại cho bạn thời gian nghỉ ngơi quý giá, nhờ đó bạn có thể tư duy sáng tạo hơn và làm việc hiệu quả hơn. Bạn có thể đi dạo nhanh một vòng, pha một tách cà phê, hay chỉ đơn giản là ngồi tại bàn làm việc mà không làm gì cả. Hãy cố gắng thu xếp giải lao khoảng 5 phút sau mỗi 1-2 giờ làm việc. Và cũng đừng quên tự cho mình quỹ thời gian rộng rãi để ăn trưa và nghỉ ngơi.
Hãy thử áp dụng những cách trên, bạn sẽ thấy những thay đổi rõ rệt trong công việc, giảm stress, tăng hiệu suất, thăng chức, tăng lương! Chúc bạn thành công.

Đỗ Thế Vinh
Senior Project Manager
VietnamWorks – Navigos Group

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

10.000USD/tháng, bạn có làm không?

Trong quá trình đàm phán lương, nói hay không nói hai từ có thể làm bạn mất hay được hàng trăm/nghìn USD. Vì vậy ngay khi nhà tuyển dụng đưa ra mức lương đầu tiên trong đàm phán, đừng vội đưa ra hai từ "OK". Ngoài việc cân nhắc, tính toán giá trị đích thực của mình, bạn phải biết nghệ thuật “lưỡng lự” để hướng tới mức lương cao hơn từ ông chủ.
Ngập ngừng - chiến lược căn bản trong đàm phán Đàm phán lương là một kỹ năng quan trọng mà không phải ai cũng có được. Chính vì vậy, Jack Chapman, tác giả quyển: "Đàm phán lương: Làm thế nào có được 1.000 USD trong một phút", đã đưa ra rất nhiều lời khuyên cho các ứng viên. Theo đó, các ứng viên cần phải tính toán mức độ công việc có tương ứng với tiền lương hay không trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Trong giao tiếp, ngập ngừng thường không được đánh giá tốt. Tuy nhiên trong đàm phán lương, ngập ngừng lại là một chiến lược “phát huy tác dụng”. Vì vậy, nếu nhà tuyển dụng đưa ra mức lương 10.000USD/tháng, một ứng viên thông minh sẽ biết cân nhắc con số này và tỏ vẻ lưỡng lự như đang cân nhắc kỹ lưỡng.



Trong tình huống này, nhà tuyển dụng rất có thể chờ đợi câu trả lời của bạn hoặc hỏi bạn nghĩ gì về mức lương này. Trước thái độ ngập ngừng của bạn, họ có thể đưa ra một mức lương cao hơn nữa, tất nhiên với điều kiện họ phải thấy bạn xứng đáng với mức lương cao này.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự ngập ngừng trong tình huống này cho nhà tuyển dụng thấy bạn không hề bị ngợp trước mức lương mà ông ta đưa ra. Đây cũng là khoảng thời gian bạn nên tận dụng để cân nhắc sự tương quan giữa năng lực và mức lương mà họ đưa ra cho bạn. Nếu bạn đang làm rất tốt công việc của mình, bạn nên biết chính xác bạn xứng đáng được trả bao nhiêu. Hãy nói với nhà tuyển dụng, bạn đã nghiên cứu và biết đúng giá trị của bạn.
Trong trường hợp tiền lương mà nhà tuyển dụng đưa ra đúng với mong muốn của mình, đừng chần chừ, hãy chấp thuận nó một cách vui vẻ. Hầu hết các ông chủ đều rất hài lòng với cử chỉ này. Điều đó thể hiện cho ông chủ tương lai thấy bạn rất tin tưởng, nhiệt tình và hết lòng đối với công việc và công ty.
Ngược lại, trong trường hợp bạn chưa sẵn sàng, bạn có thể xin phép nhà tuyển dụng lùi lại thời điểm trả lời vào ngày hôm sau kèm theo lời hứa, sẽ gọi lại trong thời gian sớm nhất có thể.
Nguyên tắc khi đàm phán lương
Để đối phó với tất cả các "cái bẫy" của nhà tuyển dụng, Chapman cũng đã đưa ra 3 nguyên tắc khi đàm phán lương.
Nguyên tắc đầu tiên
Đừng vội vàng "ra giá" trước khi nhà tuyển dụng biết rõ về bạn. Thông thường, ai cũng sẵn sàng trả giá cao hơn mức thông thường cho những thứ mà họ thực sự muốn. Nếu công ty nhận thấy bạn đáp ứng đủ yêu cầu và họ cảm thấy thích bạn, họ sẵn sàng đưa ra mức lương cao.
Nguyên tắc thứ hai
Nếu nhà tuyển dụng bắt đầu quá trình phỏng vấn bằng câu hỏi: "Bạn muốn nhận bao nhiêu tiền lương một tháng?", bạn đừng vội đưa ra ngay mức bạn muốn. Hãy lưỡng lự và chần chừ với câu trả lời: "Chúng ta có thể nói về vấn đề này sau khi tôi biết cụ thể công việc của mình được không?"
Nguyên tắc thứ ba
Trong trường hợp nhà tuyển dụng nói trước công việc và trách nhiệm của bạn, sau đó tìm hiểu bạn muốn mức lương bao nhiêu. Bạn có thể im lặng một lúc và nói: "Tôi muốn biết cụ thể hơn nữa về công việc này". Hoặc: "Theo anh (chị) ở vị trí đó mức lương của tôi là bao nhiêu thì phù hợp?"
Theo VTV

Tăng giá trị, tăng lương

Lương bổng là một vấn đề tế nhị mà nhiều người cảm thấy e ngại khi đề cập, đặc biệt khi yêu cầu một mức lương cao hơn, vì nhiều lý do như sợ bị từ chối, sợ mất mặt, hoặc sợ tạo ra cảm giác không thoải mái trong mối quan hệ giữa mình và cấp quản lý. Cũng không ít bạn mong sếp sẽ tự nhận ra và đánh giá đúng năng lực của mình.
Theo cách nghĩ trên, bạn đã đặt sự thành công và giá trị của mình vào tay người khác. Bạn đã bỏ qua những gì mình xứng đáng được nhận và chấp nhận cảm giác không hài lòng. Hãy nhận thức rằng việc yêu cầu tăng lương là rất bình thường, và nếu bạn không thành công, bạn không mất gì cả, ngược lại bạn đã bày tỏ được chính kiến của mình.
Nếu bạn tin vào khả năng của bản thân, bạn tin là mình xứng đáng với một mức lương tốt hơn, hãy mạnh dạng trình bày với sếp. Bốn lời khuyên sau sẽ giúp bạn:

1.    Bạn đáng giá bao nhiêu?
Lý do tốt nhất để bạn thuyết phục sếp tăng lương chính là chứng minh giá trị của bạn đối với công ty.

Để định nghĩa được giá trị của mình, bạn phải tự suy nghĩ về những đóng góp mà bạn đã đem lại cho công ty, ý nghĩa và tầm quan trọng của công việc bạn đang làm đối với công ty ở thời điểm hiện tại, và khả năng đóng góp nhiều hơn của bạn trong tương lai.
Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu mức lương cho vị trí của mình trên thị trường bằng nói chuyện với bạn bè hoặc những người trong ngành, tìm hiểu trên sách báo, các tài liệu về khảo sát lương. Thông thường công ty sẵn sàng trả cho một nhân viên xuất sắc mức lương cao hơn mức trung bình của thị trường thay vì phải tuyển một người mới với mức lương thấp hơn, đặc biệt là đối với những vị trí khó tuyển như vị trí chuyên viên đòi hỏi những kỹ năng không phổ biến. Ngoài ra, bạn cũng có thể ứng tuyển cho những vị trí tương tự ở các công ty khác để tìm hiểu mức lương mình có thể nhận được. Điều này sẽ giúp bạn có được thông tin tham khảo đáng tin cậy và tự tin hơn khi đưa ra một con số cụ thể để thương lượng với sếp.

2.    Chứng minh giá trị của bạn
Như đã nói ở trên, bạn cần định nghĩa được giá trị của mình đối với công ty bắng một con số cụ thể. Tuy nhiên, khi trình bày với sếp, hiểu và có một con số cụ thể thôi vẫn chưa đủ. Bạn cần chứng minh với sếp bạn xứng đáng với mức lương đó bằng những thành tích hay kết quả công việc bạn đã đạt được.
Để có được những dẫn chứng thuyết phục, ngay từ bây giờ, hãy tập thói quen lưu lại “nhật ký thành tích” trong công việc của mình mỗi ngày hoặc ít nhất là mỗi tuần. Trong đó lưu lại những việc bạn đã làm rất tốt trong 6 tháng đến một năm vừa qua để giúp công ty thành công. Nên nhớ rằng làm tốt công việc của mình thôi chưa đủ, bạn cần vượt quá sự mong đợi của sếp và thể hiện được sự khác biệt của mình so với một nhân viên bình thường trong vị trí này. Một vài câu hỏi giúp bạn suy nghĩ và chuẩn bị:
a. Bạn đã giải quyết một vấn đề khó hoặc giúp hoàn thành một dự án khó? Và dự án đã đạt kết quả tốt?
b. Bạn làm thêm giờ để đảm bảo kế hoạch hoàn thành đúng thời hạn? Bạn sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong công việc?
c. Bạn đã đóng góp ý tưởng mới và thực hiện nó để cải tiến chất lượng công việc hoặc quy trình làm việc?
d. Bạn đã giúp công ty tiết kiệm thời gian và tiền bạc? Như thế nào?
e. Bạn làm thêm một số công việc khác ngoài công việc của mình để đảm bảo hoạt động của công ty những lúc cần thiết?
f. Bạn giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc của họ, hướng dẫn và đào tạo nhân viên khác?

3.    Hãy tích cực trong mọi hoàn cảnh
Trước khi đề nghị tăng lương, bạn cần tìm hiểu những yếu tố khách quan có thể ảnh hưởng đến việc tăng lương của bạn như tình hình tài chính của công ty, của phòng ban, phạm vị lương của từng vị trí và chính sách tăng lương của công ty. Hiểu được điều này giúp bạn lên kế hoạch và chọn thời điểm tốt cho việc tăng lương của mình, tránh đưa sếp vào tình huống khó xử như hoặc tăng lương hoặc nghỉ việc. Đồng thời cũng chuẩn bị tư tưởng cho bản thân trong việc yêu cầu tăng lương không được giải quyết ngay.
Mặc dù vậy, thái độ tích cực không có nghĩa là yêu cầu một cách qua loa và sẵn sàng chấp nhận bất cứ kết quả nào. Bạn cần phải tự tin và nghiêm túc. Nên đặt cuộc hẹn trước với sếp, hoặc xin 30 phút nói chuyện riêng khi bạn thấy sếp có thời gian. Nên nói một cách chậm rãi và từ tốn, để trình bày thật rõ ràng mong muốn của mình. Nếu sếp của bạn đang bận hoặc cảm thấy bất ngờ với yêu cầu này và đề nghị bàn lại vào lúc khác, hãy đồng ý để thể hiện sự tôn trọng. Đồng thời xin một cái hẹn mới cụ thể về thời gian, tốt nhất là không quá 2 tuần từ khi bạn đưa ra yêu cầu.

4.    Làm gì khi bị từ chối?
Nếu bạn đã chuẩn bị rất kỹ nhưng bị sếp từ chối, đừng quá thất vọng. Mặc dù chưa đạt được mức lương mong muốn, bạn đã làm được bước khó nhất đó là trình bày nguyện vọng của mình. Nếu bị từ chối vì những lý do khách quan, hãy tiếp tục thể hiện tốt trong công việc và yêu cầu lại sau vài tháng. Nếu bị từ chối vì sếp chưa thấy được biểu hiện của bạn xứng đáng với mức lương cao hơn, hãy hỏi thật chi tiết về những điều bạn cần phải làm tốt hơn để đạt được mức lương mà bạn mong muốn trong vài tháng tới.
Nếu phạm vị lương của công việc hiện tại không thể đáp ứng được mức lương mong muốn của bạn, hãy nghĩ đến việc mở rộng phạm vi công việc hoặc luân chuyển qua một vị trí khác trong cùng phòng ban hoặc công ty. Đây là cơ hội giúp bạn tăng giá trị của bản thân để đạt được mức lương cao hơn.
Và kết thúc buổi thảo luận, cho dù kết quả như thế nào, cũng đừng quên gửi một email cảm ơn quản lý đã lắng nghe và chia sẻ với bạn. Đây cũng là một cách để chính thức lưu lại những điều mà bạn và quản lý đã thỏa thuận, giúp bạn tránh được hiểu lầm giữa hai bên và theo dõi tiến triển của việc tăng lương sau này.
Chúc bạn đạt được mức lương mong muốn!

Lê Hải Quỳnh
HR Manager
VietnamWorks - Navigos Group

Nhân viên nghỉ việc? Hành động ngay trước khi quá muộn!

Tuyển dụng luôn là một quy trình khiến bạn hao tốn nhiều tiền của, thời gian và công sức. Vì thế, khi đã xây dựng được một tập thể làm việc hiệu quả, bạn đương nhiên không bao giờ muốn họ ra đi.
 

Các dạng nghỉ việc
Nắm bắt được xu hướng nghỉ việc của nhân viên sẽ giúp hiểu được lý do họ ra đi và có các biện pháp phòng ngừa điều tương tự xảy ra trong tương lai.

* Nghỉ việc theo mùa vụ: Chúng ta thường thấy nhân viên xin nghỉ việc vào những thời điểm nhất định trong năm, chẳng hạn sau một giai đoạn kinh doanh phát đạt. Điều này thường xảy ra với những nhân viên có lương chủ yếu dựa vào hoa hồng. Đó là vì họ muốn theo đuổi môi trường và thị trường mà họ có thể duy trì cơ hội kiếm tiền.

* Nghỉ việc do thiếu cơ hội thăng tiến: Đôi lúc bạn có thể rơi vào một cái vòng luẩn quẩn của việc tuyển dụng. Đó là khi nhân viên đã khẳng định được năng lực của mình, họ quyết định ra đi vì không còn thấy triển vọng phát triển xa hơn trong công ty.

* “Tháo chạy” hàng loạt: Đây là tình huống xấu nhất cho một doanh nghiệp. Một số lượng lớn nhân viên quyết định nghỉ việc cùng một lúc vì nhiều lý do như không hòa hợp với một người quản lý mới, bất đồng về lương bổng với công đoàn, hoặc nghe thấy tin tức về những khó khăn tài chính tiềm ẩn trong ngành bạn đang kinh doanh.

Giảm thiểu số lượng nhân viên ra đi
Nhiều nhân tố khiến nhân viên ra đi kể trên nằm ngoài sự kiểm soát của bạn, nhưng vẫn có những biện pháp nhất định bạn có thể áp dụng để giảm bớt lượng nhân viên xin nghỉ việc.

* Gia tăng hiệu quả của việc tuyển dụng: Bạn đang tuyển dụng nhân sự cho hiện tại hay cho tương lai? Tốt nhất là bạn hãy tuyển dụng những người linh hoạt, có thể đáp ứng các nhu cầu (thường thay đổi theo thời gian) của hoạt động kinh doanh.

* Giao tiếp với nhân viên: Không có gì làm người ta khó chịu hơn một bầu không khí khép kín trong doanh nghiệp. Vì thế, hãy cởi mở với nhân viên của bạn, chia sẻ tầm nhìn về tương lai của doanh nghiệp và chỉ cho họ thấy họ phù hợp với mục tiêu tổng thể như thế nào.

* Lắng nghe nhân viên: Bạn nên khuyến khích nhân viên thành lập một công đoàn có thể thảo luận những vấn đề liên quan đến họ và bầu ra một người đại diện để đối thoại với ban quản trị. Bạn sẽ không thể chấp nhận tất cả những đề xuất của họ, nhưng ít nhất cần cho họ thấy bạn đã xem xét chúng một cách nghiêm túc. Bạn cũng nên nghiên cứu việc tiến hành các cuộc khảo sát ngầm để tìm hiểu tâm tư tình cảm đích thực của nhân viên.

* Tăng phúc lợi: Nhân viên luôn thích được tăng lương. Tuy nhiên, ngoài tăng lương ra, bạn còn có thể làm nhiều điều khác để động viên tinh thần làm việc của nhân viên. Những chính sách động viên của bạn nên phù hợp với những vấn đề công ty đang gặp phải. Chẳng hạn, nếu cảm thấy sự thiếu cân bằng giữa cuộc sống và công việc là nguyên nhân khiến nhiều nhân viên ra đi, bạn có thể tăng số ngày phép cho nhân viên.

* Khen thưởng: Bạn nên thường xuyên thể hiện sự trân trọng của bạn với nhân viên bằng các hình thức như tổ chức cuộc thi “Nhân viên xuất sắc nhất trong tuần” hoặc tăng mức thưởng khi đạt mục tiêu. Lưu ý là bạn phải công bằng trong việc khen thưởng để nhân viên không cảm thấy bất mãn.

* Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Những chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thường xuyên sẽ chứng tỏ cho nhân viên thấy bạn quan tâm đến tương lai của họ. Hãy yêu cầu nhân viên quản lý gặp trực tiếp từng người trong nhóm để tìm hiểu tâm tư của nhân viên về công việc, tương lai và môi trường làm việc.

* Tổ chức các sự kiện xã hội: Trong những doanh nghiệp thành công nhất luôn tồn tại tình đồng nghiệp gắn bó giữa các nhân viên. Tuy nhiên, việc cung cấp cơ hội để nhân viên của bạn tiếp xúc với nhau bên ngoài công ty hoàn toàn khác với việc tạo ra những niềm vui mang tính cưỡng ép. Nếu bạn tạo điều kiện để nhân viên tham gia vào quy trình hoạch định tổ chức các sự kiện, bạn sẽ tạo ra được những sự kiện mà họ thật sự muốn tham gia.

Làm gì khi nhân tài muốn ra đi?    
Trong khi tình trạng nghỉ việc thường xuyên là điều có thể phòng ngừa và ngăn chặn ở một mức độ nào đó, thỉnh thoảng bạn sẽ phải đối mặt với những trường hợp nghỉ việc ngoài mong đợi, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ty. Đây là lúc bạn cần vận dụng kỹ năng thương lượng của mình. Nếu một nhân viên quyết định xin nghỉ việc, tốt nhất là bạn để họ đi. Tuy nhiên, nếu cảm thấy công ty không thể thiếu họ được, bạn hãy cố gắng hết sức để giữ họ lại.

Đầu tiên, hãy tìm hiểu tại sao họ lại muốn ra đi. Có phải họ muốn nắm bắt một cơ hội mới quá hấp dẫn? Có phải họ nghỉ việc chỉ vì tiền? Có phải họ nghỉ việc để đi làm từ thiện ở vùng sâu vùng xa? Bạn cần phân tích lý do và tìm cách thay đổi ý muốn ra đi của họ.
Nếu không thuyết phục được họ ở lại, bạn cần tổ chức một cuộc phỏng vấn thôi việc (exit interview) với nhân viên sắp ra đi. Như vậy, bạn sẽ có thể thu nhận được một số ý kiến chân thật và thẳng thắn về hoạt động của công ty bạn. Qua đó, bạn sẽ biết mình có thể thay đổi điều gì để ngăn ngừa tình trạng này trong thời gian sắp tới.

Cũng có những trường hợp bạn lại muốn khuyến khích nhân viên nghỉ việc. Nếu nhân viên đã làm việc ở một phòng ban trong nhiều năm và hiện đã cạn kiệt ý tưởng sáng tạo, có lẽ đã đến lúc bạn cân nhắc việc tìm kiếm những “dòng máu” mới. Tuy nhiên, nếu bạn không có ngân sách để tuyển dụng nhân sự mới thì sao?
Đương nhiên, bạn không muốn vướng vào rắc rối với pháp luật khi sa thải nhân viên, nhưng vẫn có những việc bạn có thể làm để khiến nhân viên cảm thấy đã đến lúc họ nên ra đi. Chẳng hạn, thay vì giảm bớt công việc hiện tại của họ, hãy giao những việc có tính chất mới mẻ cho người khác. Người ta sẽ nhanh chóng chán nản khi không tìm thấy điều gì thú vị trong công việc cũ rích của mình.

(Theo hiring.monster.co.uk)

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Tuyển tập cách làm thiệp

Day 1 - Holiday Card Series 2011 

Day 2 - Holiday Card Series 2011 

 

Day 3 - Holiday Card Series

Day 4 - Holiday Card Series 


 

SPARKLENSPRINKLE'S CHRISTMAS CARDS 2011 PART ONE

 

SPARKLENSPRINKLE'S CHRISTMAS CARDS 2011 PART TWO

MDS Designer Christmas Card Tutorial 

 

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Tài liệu ứng dụng quản trị hành chính nhân sự

Đây là bộ tài liệu do công ty Vân Chung cung cấp. Tài liệu được tải miễn phí trên host của http://www.vctel.com . Các bạn download vui lòng để lại vài dòng cám ơn công ty đã cung cấp miễn phí bộ tài liệu này. Xin thay mặt diễn đàn cảm ơn công ty. Công ty TNHH Điện Thoại Vân Chung là tên chính thức của Công ty, VCtel là tên viết tắt của “Van Chung Telephone Company” được thành lập theo Giấy phép ĐKKD số: 0102011635 do Sở kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp ngày 15/03/2004
Vctel – Kết nối niềm tin – phát triển bền vững chuyên nghiêp, Thương hiệu “VÂN CHUNG” và “VCtel” cùng logo đã được bảo hộ độc quyền bởi Cục Sở hữu Trí Tuệ Việt Nam theo văn bằng số 77628.
Mục tiêu phấn đấu của công ty:
- Trở thành công ty cung cấp các hệ thống tổng đài điện thoại chuyên nghiệp và trải rộng khắp Việt Nam
- Trở thành công ty có môi trường làm việc & chính sách đãi ngộ nhân viên tốt nhất.
KC
Mình tìm trên mạng thấy bộ tài liệu này mang về share cho cả nhà. Hi vọng nó có ích.

CHỨC NĂNG HÀNH CHÍNH
A. AN TOÀN SỨC KHỎE
Quy định về an toàn sức khỏe
B. BẢO TRÌ SỬA CHỮA THIẾT BỊ
Thủ tục bảo trì thiết bị
C. BIỂU MẪU HÀNH CHÍNH NHÂN SỰ
Bảng chấm công
Bảng ghi nhận quá trình làm việc
Bảng quản lý ngày công của CBCNV
Biên nhận hồ sơ
Biểu mẫu danh sách đóng BHYT
Danh sách CNV tuyển dụng trong tháng
Danh sách đóng BHXH
Danh sách thâm niên
Giấy đề nghị tặng ca
Giấy điều động nhân sự
Lý lịch CNV công ty
Quản lý giờ tăng ca trong tháng
Quản lý nghỉ phép năm
D. THỦ TỤC ĐÁNH GIÁ NHÀ CUNG ỨNG
Thủ tục đánh giá nhà cung ứng
E. HOẠT ĐỘNG Y TẾ
Hướng dẫn cấp cứu tại chỗ các trường hợp nguy hiểm
Hướng dẫn cấp cứu tai nan lao động
Trách nhiệm quyền hạn của bộ phận y tế
F. KIỂM KÊ TÀI SẢN
Bảng kê và biên bản bàn giao tài sản
Kế hoạch kiểm kê
Mã thiết bị
G. PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY
Các dụng cụ PCCC thường dùng
Hướng dẫn sử dụng bình PCCC
Hướng dẫn sử dụng vòi rồng
Kế hoạch thực hiện PCCC nội bộ công ty
Nội quy PCCC
H. QUẢN LÝ TÒA NHÀ VĂN PHÒNG
Bảng kiểm tra hoạt động toà nhà văn phòng
I. QUẢN TRỊ TÀI SẢN
Chính sách và nguyên tắc quản lý tài sản
Quy định quản lý tài sản doanh nghiệp
Quy định quản lý tài sản
K. QUẢN TRỊ VĂN PHÒNG PHẨM
Quy định quản lý văn phòng phẩm
L. QUẢN TRỊ VỀ AN NINH
Check list kiểm tra an ninh công ty
Hợp đồng về an ninh, hướng dẫn an ninh
M. VỆ SINH LAO ĐỘNG
Chương trình kiểm tra An toàn vệ sinh lao động
CHỨC NĂNG NHÂN SỰ
A. ĐÁNH GIÁ CÔNG VIỆC
Bảng đánh giá công việc bộ phận theo tháng
Đánh giá hiệu quả hoạt động của nhân viên qua góc nhìn 360
Mẫu đánh giá của phòng kinh doanh
Quy định đánh giá nhân viên
B. ĐÀO TẠO
Báo cáo kết quả học tập sau 6 tháng
Báo cáo kết quả học tập
Biểu mẫu đào tạo ngành
Biểu mẫu đào tạo nhân sự
Phiếu điều tra đánh giá kết quả đào tạo
Thủ tục đào tạo công ty
C. HOẠCH ĐỊNH NHÂN SỰ
Kế hoạch ứng dụng nguồn nhân lực
Phân tích môi trường nhân sự
D. MÔ TẢ VÀ TIÊU CHUẨN CÔNG VIỆC
Bản câu hỏi phân tích công việc
Bản phân tích công việc
Câu hỏi phỏng vấn để phân tích công việc
Nội dung chính bản mô tả và tiêu chuẩn công việc
E. QUẢN LÝ KỶ LUẬT
Cách thức giải quyết tranh chấp lao động
Thủ tục xử lý vi phạm kỷ luật và khiếu nại
F. QUẢN LÝ NHÂN SỰ
Quy định quản lý nhân sự của công ty
G. QUY CHẾ LƯƠNG THƯỞNG
Các biện pháp kích thích công nhân viên
Kỷ luật khen thưởng nhân viên
Quy chế lương thưởng của công ty
Quy định khen thưởng kỷ luật
H. QUY TRÌNH QUẢN LÝ NHÂN SỰ
Quy trình quản lý nhân sự
I. THĂNG TIẾN
Phiếu thăng chức Giám đốc
Phiếu thăng chức trưởng phòng Tổ chức hành chính
K. TUYỂN DỤNG
Bản câu hỏi phỏng vấn
Hợp đồng thử việc
Kết quả đánh giá phỏng vấn
Lựa chọn bên trong hay bên ngoài doanh nghiệp
Mẫu đánh giá chất lượng quảng cáo
Thủ tục tuyển dụng chuẩn
CHỨC NĂNG TỔ CHỨC
Chức năng nhiệm vụ phòng HCNS version 2.0
Chức năng nhiệm vụ Phòng Kế toán
Chức năng nhiệm vụ phòng KHKD
Chức năng nhiệm vụ của Xí nghiệp
Phân công nhiệm vụ ban GĐ
CHỨC NĂNG QUẢN TRỊ
A. HỆ THỐNG QUY ĐỊNH DOANH NGHIỆP
26 điều lệ công ty
Nội quy chung công ty
Nội quy công ty
Nội quy xưởng sản xuất
Quy định trả lương
Quy định bốc vác trong công ty
Quy định báo cáo nội bộ
Quy định lề lối làm việc
Quy định phòng gian bảo mật
Quy định quản lý thông tin
Quy định quản lý và sử dụng điện năng
Quy định ra vào công ty
Quy định sử dụng điện thoại tại công ty
Quy định sử dụng máy fax
Quy định sử dụng máy photo
Quy định sử dụng máy vi tính, mạng
Quy định sử dụng xe trong công ty
Quy định về canteen
Thỏa ước Lao động tập thể
B. KIỂM SOÁT TÀI LIỆU VÀ HỒ SƠ
Hướng dẫn công việc quản lý hồ sơ
Hướng dẫn lập lưu đồ quy trình
Thủ tục và hướng dẫn kiểm soát tài liệu
C. VĂN HÓA DOANH NGHIỆP
Danh sách các yếu tố văn hóa doanh nghiệp
Làm thế nào xây dựng văn hóa doanh nghiệp?
Văn hóa doanh nghiệp ở nước ta hiện nay
Văn hóa doanh nghiệp với chiến lược Kinh doanh tại Việt
CHỨC NĂNG QUẢN TRỊ NHÂN SỰ
Đánh giá thực hiện công việc
Đào tạo và huấn luyện nhân viên
Employee management
Hợp đồng lao động và giải quyết tranh chấp lao động
Huy động nguồn nhân lực
Kỹ năng đàm phán
Kỹ năng lãnh đạo và quản trị
Kỹ năng thuyết trình
Nâng cao hiệu quả qua sử dụng lao động
Nuôi dưỡng tinh thần nghiệp chủ
Phân tích công việc
Phát triển doanh nghiệp bằng con đường cải tiến năng suất
Phương pháp đánh giá nhân viên
Tóm tắt quản trị nhân sự
Tài liệu HRM bằng tiếng Anh
Thời gian và văn hóa
Thu thập thông tin và đào tạo nhân viên
Tiếp nhận và tuyển chọn nhân viên mới
Tổng quan quản trị nhân sự
Trả công lao động
Tuyển dụng nhân viên
Ý tưởng là tài sản vô hình của doanh nghiệp
Cơ cấu tổ chức doanh nghiệp
QUY TRÌNH LẬP ĐỀ ÁN
Kế hoạch thực hiện mục tiêu, chuyên môn
Quy trình lập đề án
QUY TRÌNH TỔ CHỨC SỰ KIỆN
Bảng dự trù kinh phí cho 1 event
Check list trước khi tổ chức sự kiện
Hoạt động chẩn bị của nhóm tổ chức sự kiện
Kế hoạch thực hiện event
Quy trình tổ chức sự kiện
Tổ chức sự kiện – 10 bí quyết thành công
TÀI LIỆU KHÁC
26 định mức sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động
Đáp án test chung
Nội quy lao động
Sổ tay nhân sự