Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Đàm phán lương – “Win – Win” không quá khó!

Bạn đã vượt qua các vòng phỏng vấn đầy thử thách, chỉ cần vượt qua một chướng ngại vật nữa bạn sẽ đạt được công việc mơ ước: đó chính là vòng đàm phán lương. Đây là giây phút quyết định cho tương lai của bạn, vì vậy bạn phải thật tự tin chứng minh mình xứng đáng với công việc này và với mức lương cao nhất. Tuy nhiên, bạn cũng cần cân nhắc lợi ích của nhà tuyển dụng (NTD) trong cuộc đàm phán.  Một kết quả “Win – Win” cho cả bạn và NTD sẽ là một khởi đầu tốt đẹp cho công việc mới.
Thông thường NTD sẽ hỏi bạn về mức lương mà bạn mong muốn trước. Để có được mức lương cao nhất, bạn nên tự tin đưa ra mức lương cao nhất mà bạn nghĩ NTD có thể trả dựa trên những thông tin mà bạn đã thu thập được. NTD sẽ không trả cho bạn mức lương cao hơn giá trị của chính bạn. Vì vậy, nếu bạn mong muốn mức lương trong khoảng 6-8 triệu một tháng, hãy mạnh dạn đưa ra con số 8 triệu ngay từ đầu. Có 3 trường hợp có thể xảy ra:

 

Trường hợp 1
NTD sẽ đồng ý với mức lương mà bạn đưa ra. Trường hợp này quá hoàn hảo vì cả 2 bên đều đạt được điều mình mong muốn ngay trong bước thảo luận đầu tiên.

Trường hợp 2
NTD sẽ đưa ra một mức thấp hơn mức mà bạn đã đưa ra nhưng vẫn nằm trong giới hạn mong muốn của bạn (ví dụ là 7 triệu). Trong trường hợp này, bạn vẫn có thể “hạ giá” xuống 7 triệu để vừa làm NTD hài lòng vừa đạt được mức lương trong khoảng mong muốn.
Tuy nhiên, bạn cũng cần nói rõ lý do tại sao bạn chấp nhận mức lương thấp hơn. Đó có thể là vì môi trường làm việc chuyên nghiệp, có nhiều cơ hội học hỏi thăng tiến. Hay vì bạn thật sự rất yêu thích công việc này và thấy rằng đây là cơ hội để bạn đóng góp và phát triển bản thân lâu dài. Hãy đưa ra lý do dựa trên mục tiêu nghề nghiệp của bạn và những thông tin mà bạn đã thu thập trước đó về môi trường làm việc, chính sách phúc lợi, phụ cấp, cơ hội học hỏi, thăng tiến. NTD sẽ thấy rằng bạn có sự suy nghĩ thấu đáo và cân nhắc kỹ càng cho sự nghiệp lâu dài của mình, bạn không vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua những cơ hội thực sự dành cho bạn.

Trường hợp 3
NTD sẽ đưa ra một mức lương thấp hơn mức mà bạn mong đợi và nằm dưới cả giới hạn thấp nhất trong khoảng mà bạn mong muốn (ví dụ là 5 triệu). Trong trường hợp bạn thật sự yêu thích công việc này, hãy mạnh dạn đặt câu hỏi tại sao NTD lại đưa ra mức lương thấp hơn so với mức bạn đã tìm hiểu. Dựa vào câu trả lời của NTD, bạn có thể thương lượng để đi đến một kết quả có lợi cho cả đôi bên:
•    Mức lương đưa ra là do vị trí: Đây có thể là mức cao nhất NTD có thể trả cho bạn trong vị trí này. Nếu bạn tin mình có thể đảm nhận nhiều công việc hơn, đóng góp nhiều hơn cho công ty và phù hợp với vị trí cao hơn, hãy hỏi NTD về việc thay đổi vị trí công việc dành cho bạn.
•    Mức lương đưa ra dựa vào kinh nghiệm của bạn trong vị trí này: Có thể NTD chưa nhận thấy bạn có nhiều kinh nghiệm trong vị trí này hoặc vẫn còn thiếu một số kỹ năng cần thiết.  Đây là một trường hợp khó và có thể đòi hỏi bạn quay lại những bước đầu tiên để chứng minh và thuyết phục NTD thấy được khả năng đáp ứng của mình cho vị trí này tốt như thế nào.
•    Mức lương chỉ có thể tăng dựa trên thành tích: Mặc dù khả năng và kinh nghiệm của bạn thể hiện trên hồ sơ rất tốt, nhưng NTD cần thấy rõ kết quả công việc thực tế đối với vị trí này trước khi quyết định trả cho bạn mức lương cao hơn. Trong trường hợp này, bạn hãy yêu cầu được xem xét lại lương sau khi thử việc, và sau đó tận dụng thời gian thử việc để chứng tỏ khả năng của mình.
Ai cũng mong muốn có được một mức lương cao, tuy nhiên cũng đừng chỉ chú tâm đến lợi ích của mình mà quên đi lợi ích của NTD - chữ win thứ 2 trong kết quả “win-win”. Bạn cần đàm phán sao cho khi kết thúc cuộc đàm phán, không chỉ bản thân bạn cảm thấy vui vẻ để bắt đầu công việc mới, mà NTD cũng hài lòng khi họ đã tuyển được bạn. Để giúp NTD cảm thấy hài lòng, bạn cần chú ý những điểm sau:
•      Thể hiện cho NTD thấy mục tiêu của bạn là có một mức lương hợp lý nhất dựa vào khả năng đóng góp của bạn cho công ty, chứ không phải trả giá để có được mức lương cao nhất có thể cho bản thân mình ngay tại thời điểm đó.
•      Thể hiện cho NTD thấy lương là một yếu tố rất quan trọng, nhưng không phải là quan trọng nhất trong quyết định của bạn khi gia nhập công ty. Để thể hiện điều này, bạn cần cho NTD thấy được đam mê và sự hào hứng của mình dành cho công ty và công việc mà bạn đang ứng tuyển ngay từ vòng phỏng vấn đầu tiên, đồng thời không ngần ngại chia sẻ thắc mắc của mình về con đường sự nghiệp và cơ hội phát triển lâu dài tại công ty trong vị trí này trong quá trình đàm phán.
Chúc bạn đạt được mức lương mong muốn!

Lê Hải Quỳnh
Assistant HR Manager
VietnamWorks - Navigos Group

Thương hiệu - Không chỉ dành cho sản phẩm

Có bao giờ bạn tự hỏi – nếu phải làm một chương trình marketing cho chính mình, bạn sẽ giới thiệu điểm gì?
Ở công ty tôi có một anh chàng với nickname là “Can-Do” (làm được). Can-Do là một anh chàng trong bộ phận phát triển sản phẩm, lúc nào cũng có suy nghĩ tích cực. Mỗi khi đối mặt với một khó khăn, điều đầu tiên anh chàng sẽ nghĩ đến là “làm thế nào để giải quyết vấn đề này”, chứ không phải là “ai gây ra sự lộn xộn này?” Giải pháp của Can-Do không phải lúc nào cũng tối ưu, nhưng tôi hài lòng về thái độ tích cực của anh chàng. Rõ ràng, nếu ai đó hỏi tôi “Can-Do là người như thế nào?” tôi chẳng ngần ngại trả lời “anh chàng đó lúc nào cũng ‘can-do’.”
Còn bạn thì sao? Thương hiệu cá nhân của bạn là gì? Và làm thế nào để xây dựng thương hiệu cá nhân?

1.    Điểm khác biệt
Giá trị bạn đem đến cho người khác là gì? Những gì bạn đang làm mà người khác không làm được? Điều gì làm bạn thấy tự hào về bản thân? Đó chính là những yếu tố tạo nên sự khác biệt.



Đừng nghĩ rằng chỉ khi có một chức danh lớn, một vị trí cao thì bạn mới đem lại giá trị cho người khác.
Một bạn trong nhóm của tôi phụ trách công việc kiểm tra các hợp đồng hợp tác và thanh toán cho đối tác và nhà cung cấp. Tôi gọi bạn là “Tỉ-Mỉ”. Tôi ấn tượng với cách Tỉ-Mỉ kiểm tra tỉ mỉ từng điều khoản của hợp đồng, nêu ra những điểm chưa thỏa đáng và đề nghị thêm vào những điều khoản phù hợp để làm cho hợp đồng chặt chẽ hơn. Tỉ-Mỉ làm tốt công việc những người khác không làm được. Đó chính là cách Tỉ-Mỉ tạo nên sự khác biệt. Và Tỉ-Mỉ tự hào về giá trị của chính mình.

2.    Thông điệp thương hiệu
Với những điểm khác biệt, bạn muốn người khác nhắc đến mình như thế nào? Đi đầu với những ý tưởng mới? Khả năng diễn thuyết và truyền cảm hứng? Khả năng lãnh đạo và có tầm ảnh hưởng rộng? Hãy viết ra những từ mà bạn muốn người khác nhớ đến mình, sau đó đưa ra một câu hoàn chỉnh – đó chính là thông điệp về thương hiệu của bạn.
Một ví dụ cho thông điệp thương hiệu cá nhân - “Tôi luôn tìm kiếm những cách thức để phát triển sản phẩm hiệu quả nhất. Những sản phẩm của tôi luôn đơn giản và dễ sử dụng, giúp mọi người tiết kiệm thời gian tối đa nhưng vẫn đạt hiệu quả tối ưu.”

3.    Xây dựng niềm tin
Để người khác tin bạn, tin vào thông điệp thương hiệu của bạn, trước hết bạn phải trung thực với chính mình, hiểu rõ năng lực và phẩm chất của mình.
Hành động của bạn (cho dù nhỏ nhất) phải luôn nhất quán với thông điệp. Chẳng hạn bạn muốn được nhớ đến như là một diễn giả có duyên và hài hước, những câu chuyện của bạn phải làm khán giả cười thoải mái. Cách bạn trò chuyện, ứng xử, trả lời điện thoại, hay email cũng phải mang đến cảm giác “duyên và hài hước”.

4.    Phong cách riêng
Trong quản lý thương hiệu, hình thức sản phẩm là một trong những yếu tố để chúng ta nhận diện một thương hiệu. Vậy thì, để người khác nhận diện được thương hiệu của mình, bạn phải có phong cách riêng, làm nổi bật giá trị cốt lõi của thương-hiệu-bạn.
Để tạo được phong cách riêng, bạn phải nghiêm khắc với chính mình, vì sẽ có những lúc bạn cảm thấy sự gò bó khi phải đi theo khuôn khổ do chính mình đặt ra. Phong cách riêng của bạn thể hiện qua trang phục, cách nói năng, cách giải quyết vấn đề, hay thậm chí là cách giao tiếp qua điện thoại, email hay cách bạn xuất hiện trước mọi người.
Ngoài ra, bạn cũng phải để ý cách mình thể hiện trên những trang mạng xã hội như Facebook, Twitter hay trên blog cá nhân. Hãy quan sát những người nổi tiếng như Brian Tracy hay John C. Maxwell làm gì trên Facebook, bạn sẽ thấy phong cách riêng của họ. Mục đích cuối cùng là tạo thiện cảm và ấn tượng với những người xung quanh, làm cho họ phải nhớ đến giá trị của bạn.

5.    Giới thiệu thương hiệu
Bạn có giá trị của riêng mình, nhưng bạn không biết cách lan tỏa giá trị của mình, thì mức độ nhận biết thương hiệu bạn sẽ thấp. Một thương hiệu ít người biết đến thì giá trị thương hiệu sẽ thấp. Hãy nhớ rằng, giá trị thương hiệu của bạn càng cao, con đường sự nghiệp của bạn càng thuận lợi.
Vậy phải làm thế nào để giới thiệu thương-hiệu-bạn đến nhiều người?
-    Chủ động mở rộng phạm vi công việc của chính mình
-    Chủ động đưa ra những ý kiến hay kế hoạch đem lại những lợi ích cho công ty
-    Tăng giá trị bản thân bằng cách đem đến giá trị cho những người xung quanh
-    Tích cực tham gia những hoạt động hướng đến cộng đồng mà bạn đang nhắm đến
-    Xây dựng một kênh truyền thông riêng cho mình như Facebook, Twitter hay blog và dùng nó để lan tỏa giá trị bạn có thể đóng góp cho cộng đồng
Và một điều mà tất cả những ai từng nghiên cứu về thương hiệu cá nhân đều khẳng định: đó là thương hiệu cá nhân góp phần rất quan trọng cho thành công trong sự nghiệp của bạn. Và chỉ những ai biết chấp nhận thử thách, dám biến công việc của mình trở nên đặc biệt sẽ là những người xây dựng thương hiệu cá nhân thành công.

Hà Huệ Chi
Director of Marketing & Operations
VietnamWorks

6 thinking hats - Tư duy sáng tạo mở lối thành công

“6 chiếc mũ tư duy” là một công cụ trợ giúp tư duy được Edward de Bono giới thiệu trong cuốn “6 Thinking Hats”. Đây là một phương pháp cực kỳ hiệu quả, giúp bạn đánh giá sự việc từ nhiều góc nhìn khác nhau để đưa ra quyết định tốt hơn. Nhờ vậy, bạn sẽ hiểu rõ hơn mọi ngóc ngách của sự việc, nhận diện được những nguy cơ và cơ hội mà bình thường bạn có thể không chú ý đến.

Những người thành đạt thường tư duy theo hướng tích cực, thiên về lý trí, và đó là một trong những lý do giúp họ thành công. Mặc dù vậy, thông thường, họ có thể không đánh giá vấn đề từ các góc nhìn khác như cảm xúc, trực giác, sáng tạo hoặc mang tính tiêu cực. Hệ quả là đôi lúc họ bỏ qua những yếu tố có thể đưa đến sự thay đổi, không thể tạo ra những đột phá thật sự và không chuẩn bị những kế hoạch dự phòng cần thiết cho những rủi ro có thể gặp. Ngoài ra, những người đã quen giải quyết vấn đề một cách khoa học có thể sẽ không phát huy được khả năng sáng tạo hoặc giải quyết vấn đề dựa trên trực giác của họ.



Nếu đánh giá một vấn đề bằng phương pháp “6 chiếc mũ tư duy”, bạn có thể giải quyết nó dựa trên tất cả các góc nhìn đã đề cập. Bạn sẽ kết hợp được cả tham vọng, kỹ năng thực hành, sự nhạy cảm, sáng tạo và khả năng lập kế hoạch dự phòng tốt trong việc ra quyết định và hoạch định.

Kỹ thuật “6 chiếc mũ tư duy”
Hãy lần lượt “đội” 6 chiếc mũ để đánh giá vấn đề. Mỗi lần đội mũ tức là bạn lại chuyển sang một cách tư duy mới.
. Mũ trắng - Objective
Khi đội “Mũ trắng”, bạn sẽ đánh giá vấn đề một cách khách quan, dựa trên những dữ kiện có sẵn. Hãy nghiên cứu thông tin bạn có để tìm ra câu trả lời cho những điều bạn còn thắc mắc.

· Mũ đỏ - Intuitive
Khi đội “Mũ đỏ”, bạn sẽ đánh giá vấn đề dựa trên trực giác và cảm xúc. Hãy cố gắng đoán biết cảm xúc của người khác thông qua những phản ứng của họ và cố gắng hiểu được những phản ứng tự nhiên của những người không hiểu rõ lập luận của bạn. 

· Mũ đen - Negative
Khi đội “Mũ đen”, bạn cần đánh giá vấn đề theo góc nhìn tiêu cực, cẩn trọng và e dè. Hãy cố gắng đoán trước những nguyên nhân có thể khiến ý tưởng và cách giải quyết vấn đề không đạt hiệu quả như mong đợi. Nhìn nhận sự việc theo cách này sẽ giúp bạn loại bỏ những điểm yếu trong một kế hoạch hoặc cách thức tiến hành công việc, điều chỉnh cách giải quyết vấn đề hoặc chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho những vấn đề có thể nảy sinh ngoài dự kiến.
Nhiều người thành đạt đã quen với việc suy nghĩ một cách lạc quan. Do vậy, họ có thể sẽ không dự kiến hết được những vấn đề có thể phát sinh nên không có sự chuẩn bị chu đáo. Cách tư duy “Mũ đen” sẽ giúp họ tránh được điều này.

· Mũ vàng - Positive
Khi đội “Mũ vàng”, bạn sẽ suy nghĩ một cách tích cực. Sự lạc quan sẽ giúp bạn thấy hết được những lợi ích và cơ hội mà quyết định của bạn mang lại. Cách tư duy “Mũ vàng” giúp bạn có thêm nghị lực để tiếp tục công việc khi bạn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
· Mũ xanh lá cây - Creative
Mũ xanh lá cây tượng trưng cho sự sáng tạo. Lối tư duy tự do và cởi mở khi đội “Mũ xanh” sẽ giúp bạn tìm ra những giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề.

· Mũ xanh dương - Process
Đây là chiếc mũ người chủ tọa đội để kiểm soát tiến trình cuộc họp. Khi gặp khó khăn do bế tắc về ý tưởng, chủ tọa có thể linh hoạt điều chỉnh cách tư duy của mọi người dự họp sang hướng “Mũ xanh lá cây”. Còn khi cần lập kế hoạch dự phòng, chủ tọa sẽ yêu cầu mọi người tư duy theo cách “Mũ đen”.
Bạn có thể sử dụng phương pháp “6 chiếc mũ tư duy” trong các cuộc họp hoặc khi giải quyết vấn đề của mình. Nếu dùng trong các cuộc họp, kỹ thuật này sẽ giúp chủ tọa tháo “ngòi nổ” xung đột có thể xảy ra khi nhiều người có lối tư duy khác nhau cùng thảo luận về một vấn đề. Bạn cũng có thể sử dụng một phương pháp khác tương tự với “6 chiếc mũ tư duy” là đánh giá vấn đề từ quan điểm của nhiều chuyên gia (bác sĩ, kiến trúc sư, giám đốc kinh doanh …) hoặc khách hàng.
“6 chiếc mũ tư duy” là phương pháp lý tưởng để đánh giá tác động của một quyết định từ nhiều quan điểm khác nhau. Nó giúp bạn kết hợp những yếu tố thuộc về cảm tính với những quyết định lý tính và khuyến khích sự sáng tạo khi ra quyết định. Nhờ vậy, kế hoạch của bạn sẽ hợp lý và chặt chẽ hơn. Ngoài ra, nó còn có thể giúp bạn tránh được những sai lầm về giao tế nhân sự và thấy trước những nhược điểm của một kế hoạch hành động. 
 
(Theo mindtools.com)