Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

GROW – Mô hình huấn luyện nhân viên hiệu quả

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà lãnh đạo là huấn luyện và đào tạo (coaching) nhân viên để họ làm việc đạt hiệu quả cao nhất. Với vai trò này, nhà lãnh đạo sẽ giúp nhân viên cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề, ra quyết định tốt hơn, học được những kỹ năng mới và thăng tiến trong sự nghiệp.
Không phải nhà lãnh đạo nào cũng có may mắn được đào tạo bài bản về kỹ năng huấn luyện nhân viên và đa phần để có được kỹ năng này họ đều phải tự học. Điều này nghe có vẻ nản lòng. Tuy nhiên, nếu bạn nắm được một số phương pháp chính yếu, tìm cơ hội để thực tập và tin vào khả năng của mình, bạn có thể trở thành một người huấn luyện tốt và giúp tăng hiệu quả làm việc của đội nhóm do bạn quản lý.
Một trong những phương pháp hữu ích để huấn luyện nhân viên là sử dụng mô hình GROW. Đây là từ viết tắt của Goal (Mục tiêu), Current Reality (Thực tại), Options (Giải pháp) và Will (Ý chí).

Mô hình GROW là gì?

Bạn có thể hình dung mô hình GROW giống như kế hoạch bạn lập cho một chuyến hành trình quan trọng.


Đầu tiên, bạn cần lập lộ trình chuyến đi. Dựa trên lộ trình này, bạn giúp các thành viên trong nhóm quyết định địa điểm họ định đến (mục tiêu) và xác định vị trí hiện nay của họ (thực tại). Sau đó, bạn suy nghĩ những cách thức khác nhau (lựa chọn giải pháp) để thực hiện chuyến đi. Ở bước cuối cùng (hun đúc ý chí), bạn cần bảo đảm tất cả thành viên nhóm của bạn đều quyết tâm thực hiện chuyến đi và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống và trở ngại họ gặp trên đường.

1. Thiết lập mục tiêu:

Đầu tiên, bạn cùng với các thành viên khác trong nhóm sẽ xác định các mục tiêu cần đạt được. Mục tiêu này cần cụ thể, đo lường được và có tính hiện thực. Ớ bước này, bạn có thể sử dụng một số câu hỏi sau:
“Làm cách nào bạn biết mình đã đạt được mục tiêu?”
“Làm cách nào bạn biết mình đã giải quyết được vấn đề?”

2. Xem xét, đánh giá hiện trạng công việc:

Hãy yêu cầu các thành viên trong nhóm cho bạn biết tình trạng công việc của họ. Bạn phải nắm chắc điều này thì mới có thể cùng họ tìm ra giải pháp được. Ở bước này, bạn có thể sử dụng một số câu hỏi sau:
  - “Tình hình hiện nay ra sao?”
  - “Làm gì, ai làm, làm khi nào và bao lâu một lần”
  - “Tác động hoặc kết quả của một hành động nào đó?”

3. Tìm kiếm giải pháp:

Một khi bạn và nhân viên đã nắm được tình trạng hiện nay của công việc, hãy bắt đầu tìm kiếm tất cả những giải pháp khả dĩ để giải quyết vấn đề rồi cùng bàn bạc. Đương nhiên, bạn sẽ phải đưa ra giải pháp của riêng bạn. Tuy nhiên, hãy để nhân viên của bạn đưa ra giải pháp trước cũng như cho họ cơ hội để trình bày ý kiến. 
 Ở bước này, bạn có thể sử dụng một số câu hỏi sau:
  - “Các anh (chị) còn có thể làm gì nữa?”
  - “Ưu và nhược điểm của mỗi giải pháp?”
  - “Bạn dựa vào yếu tố nào để xem xét, đánh giá cơ may thành công của các giải pháp?”

4. Hun đúc ý chí:

Sau khi xem xét, đánh giá tình hình thực tế và tìm giải pháp, thành viên trong nhóm của bạn đã hình dung một rõ ràng cách thức họ có thể đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Bạn cần giúp họ có được lòng quyết tâm, ý chí và động lực để biến chúng thành hành động cụ thể. Hãy hỏi họ những câu sau:
- Vậy thì bạn sẽ làm gì vào thời điểm hiện tại?
- Điều gì có thể khiến ngăn trở bạn tiến hành công việc?
- Bạn làm cách nào để vượt qua trở ngại này?
- Việc này có giúp bạn đạt được mục tiêu không?
- Xác suất thành công của giải pháp này có cao không?
- Bạn còn muốn làm việc gì khác nữa?

3 bí quyết để áp dụng mô hình hiệu quả

1.Ý thức rõ vai trò của bạn 

Trên lý thuyết, khi áp dụng mô hình GROW, người huấn luyện không đóng vai trò một chuyên gia mà là người gợi mở để người được huấn luyện có thể thoải mái trình bày ý kiến, giúp họ chọn được giải pháp tốt nhất, chứ không cho họ lời khuyên hay sự định hướng nào.
Tuy nhiên, nếu bạn là nhà lãnh đạo thì mọi việc sẽ khác. Nhiệm vụ của bạn là phải cung cấp cho nhân viên những kiến thức mới và định hướng để nhân viên chọn được những giải pháp tốt nhất cho tổ chức.

2. Hãy tập giải quyết những vấn đề của bạn trước

Phương pháp lý tưởng để thực tập sử dụng mô hình GROW là hãy dùng nó để giải quyết những vấn đề bạn gặp trước. Nhờ vậy, bạn sẽ học được cách hỏi những câu hữu ích nhất. Hãy ghi lại những câu hỏi này để sử dụng trong những lần bạn huấn luyện cho nhân viên trong tương lai.

3. Đặt những câu hỏi hay và lắng nghe người khác kỹ càng

Hai kỹ năng quan trọng nhất của một chuyên gia huấn luyện là đặt câu hỏi và lắng nghe. Bạn không nên đặt những câu hỏi đóng kiểu: “Việc này có gây khó khăn gì cho anh (chị) không?”… mà hãy đặt những câu hỏi mở như: “Việc này gây ra những ảnh hưởng gì đến anh (chị)?”… Ngoài ra, bạn nên để nhân viên nói trong phần lớn thời gian còn bạn thì chú ý lắng nghe họ. Bạn không nên hỏi liên tục mà nên có khoảng dừng để nhân viên (và cả bạn) có thời gian suy nghĩ.
(Theo mindtools.com)

Tìm lại tình yêu công việc!

Sau những trận bóng đá xuyên lục địa liên tục cùng những cuộc quay quảng cáo tuy lắm tiền nhưng rút hết sức lực, David Beckham luôn bí mật tổ chức những kỳ nghỉ lãng mạn cùng vợ, mới nhất là chuyến nghỉ mát tại quần đảo Seychelles trên Ấn Độ Dương.
Dù là một siêu sao quốc tế như Beckham, một tổng giám đốc, hay là một nhân viên bình thường, thì kỳ nghỉ luôn là khoảng thời gian cần thiết cho mọi người sau những ngày làm việc mệt mỏi, bế tắc trong công việc. Những kỳ nghỉ thú vị sẽ giúp ta lấy lại sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, tìm lại được niềm đam mê trong lòng.
Tuy nhiên, dù nghỉ để thư giãn, du lịch hay vì việc riêng… thì cũng sẽ có rất nhiều trở ngại khi ta trở lại với công việc sau một kỳ nghỉ dài hạn, như: không bắt kịp với tiến độ, không nắm vững những dự án mới, quên việc, vẫn còn dư âm của kỳ nghỉ nên uể oải thiếu tinh thần, không tập trung… dẫn đến làm việc kém hiệu quả, trong khi công việc thì dồn lại như “núi”.


Vậy làm sao để khơi dậy niềm hứng khởi làm việc vốn đã “ngủ đông” sau kỳ nghỉ? Không chỉ vực lại tinh thần khi đi làm lại, bạn còn cần “hành động” ngay từ trước và trong kỳ nghỉ.

Chuẩn bị trước khi nghỉ phép

Trước khi nghỉ phép, bạn nên lập ra một bản kế hoạch rõ ràng để có thể kiểm soát tối đa công việc trước và sau kỳ nghỉ. Hãy hoàn thành những dự án cần thiết, thông báo với các đồng nghiệp & khách hàng về thời gian bạn vắng mặt qua điện thoại và email. Hãy chỉ dẫn tận tình người sẽ tiếp quản công việc của bạn để mọi việc có thể “chạy” tốt. Với những dự án cần đầu tư suy nghĩ, bạn nên “cất” trong đầu để có thể tư duy ngay cả trong kỳ nghỉ, thi thoảng để đầu óc hoạt động một chút cũng là điều hay.

Giữ liên lạc với công ty

Nghỉ phép không có nghĩa là bỏ quên công ty. Bạn nên giữ liên lạc với sếp, đồng nghiệp trong nhóm cũng như phòng nhân sự để có thể nắm rõ tình hình ở công ty. Ngoài điện thoại và email, bạn có thể tham gia vào những mạng kết nối xã hội như Facebook để cập nhật thông tin về những hoạt động của đồng nghiệp. Điều đó sẽ giúp bạn thắt chặt mối quan hệ gắn bó và không cảm thấy bỡ ngỡ khi đi trở lại làm việc, đối mặt với những thay đổi trong công ty.

“Làm quen” lại với nhịp độ công việc

Sau một kỳ nghỉ dài bất kể vì lý do gì, giờ giấc sinh hoạt của bạn hẳn đã bị xáo trộn. Để “làm quen” với nhịp độ công việc trở lại, trước khi đi làm làm một tuần, bạn hãy soạn một lịch trình như trước khi nghỉ phép và tuân thủ sinh hoạt đúng thời gian theo lịch đã đề ra. Ngày đầu tiên đi làm lại, bạn hãy chào hỏi tất cả mọi người, sau đó sắp xếp bàn làm việc của mình thật gọn gàng sạch sẽ, chuẩn bị cho một giai đoạn làm việc mới.

Đề ra những mục tiêu cụ thể

Việc đưa ra và chú tâm thực hiện những mục tiêu cụ thể từ nhỏ đến lớn là điều rất cần thiết để bạn tìm lại niềm hứng khởi cũng như trách nhiệm trong công việc. Mục tiêu ấy có thể là nắm vững dự án mới, hoàn thành tốt một nhiệm vụ mà sếp vừa giao, hay là tham gia một khóa học bổ ích để tiếp thu kỹ năng và kiến thức về một lĩnh vực mới mà công ty vừa mở rộng…

Thắp lại ngọn lửa đam mê

Quan trọng nhất vẫn là bạn cảm thấy vui khi làm việc. Hãy chủ động đề nghị sếp cho bạn tham gia vào những việc mà bạn cảm thấy hứng thú và tự tin sẽ hoàn thành tốt, hoặc một dự án mang tính thách thức khiến bạn dồn hết tâm lực, bởi điều đó sẽ làm khơi dậy niềm đam mê công việc của bạn. Thậm chí sau kỳ nghỉ, nếu cảm thấy công ty cũ đã không còn phù hợp với mình, bạn có thể nghĩ đến việc thử sức ở một môi trường mới, như Beckham đã từ giã Manchester United để đến Real Madrid và kế đó là Los Angeles Galaxy để tiếp tục thành công.
Công việc cũng là một người tình! Một khi tìm lại được tình yêu, thắp sáng ngọn lửa đam mê, bạn mới có thể tiếp tục nuôi dưỡng sự sáng tạo và hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất, như đôi chân vàng của David Beckham vẫn chạy tốt sau hơn 15 năm gắn bó cùng môn thể thao vua.

Nhà quản lý, hãy để nhân viên tự “lớn”!

Bạn vừa giao một công việc quan trọng cho một nhân viên có năng lực, và cho anh (cô) ấy biết thời hạn chót để hoàn thành. Sau đó, bạn làm gì tiếp theo? Để nhân viên tự tiến hành công việc và chỉ kiểm tra theo từng mốc thời gian đã định? Hay bạn sẽ liên tục gặp anh (cô) ấy và gửi email để kiểm tra tiến độ thực hiện công việc? 
 
Nếu rơi vào trường hợp thứ hai, có lẽ bạn thuộc dạng nhà quản lý quá coi trọng tiểu tiết.
Nhà quản lý quá coi trọng tiểu tiết là những người cầu toàn đến mức cực đoan vì luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ phải kiểm soát mọi thứ, hoặc cảm thấy mình có trách nhiệm phải luôn thúc đẩy mọi người làm việc để đạt đến thành công. Vì thế, họ không dám phân quyền cho nhân viên. Hậu quả là họ làm nhân viên mất tự tin, suy giảm hiệu quả làm việc và cảm thấy khó chịu, đôi lúc đến mức phải nghỉ việc.Tuy nhiên, thật may mắn là luôn có những cách xác định sớm bệnh “thích kiểm soát” này ở các nhà quản lý đểloại trừ nó trước khi nó gây nhiều tác hại.

 

Còn nếu là nhân viên và không may mắn có một vị sếp như vậy, bạn cũng có thể vận dụng một số chiến lược nhằm thuyết phục sếp để bạn được làm việc một cách độc lập.
Đầu tiên, bạn cần nhận dạng những dấu hiệu của một nhà quản lý quá  coi trọng  tiểu tiết. Đâu là sự khác biệt giữa một vị sếp theo sát công việc và một vị sếp theo sát công việc đến mức thái quá, làm nhân viên phát bực?

Những biểu hiện của một nhà quản lý quá coi trọng đến tiểu tiết

Dưới đây là một số biểu hiện cho thấy bạn là một vị sếp quá coi trọng  tiểu tiết (hoặc bạn đang có một vị sếp như vậy):
_  Không chịu ủy quyền cho cấp dưới
_  “Mải mê” giám sát dự án của người khác
_   Coi trọng những chi tiết vụn vặt hơn là nhìn bao quát vấn đề
_  Thu hồi ngay công việc đã giao cho nhân viên nếu phát hiện họ mắc sai sót
_  Yêu cầu nhân viên không nên ra quyết định khi chưa hỏi ý kiến mình

Quá coi trọng tiểu tiết – Lợi hay hại?

Những vị sếp quá coi trọng tiểu tiết thường đưa ra một lý do có vẻ rất thuyết phục để giải thích cho cách quản lý của họ. Đó là nếu họ giao việc cho nhân viên rồi “biến mất” cho đến sát thời hạn chót để hoàn thành thì nhân viên sẽ khó lòng hoàn thành tốt công việc và tiến bộ được. Hơn nữa, nếu bộ máy vẫn đang vận hành trôi chảy thì tại sao lại không duy trì cách quản lý này?
Sẽ là không sai nếu nhân viên có một sự tự tin khác thường vào năng lực của mình. Nhưng trên thực tế, đa số nhân viên sẽ nhanh chóng trở nên nhút nhát, e dè và thiếu tự tin với cách quản lý như vậy. Nhân viên có thể nghĩ: “Mình làm gì cũng không vừa ý sếp”. Hệ quả là nhân viên sẽ liên tục hỏi sếp cách tiến hành công việc, hoặc sẽ tự làm, nhưng kết quả cuối cùng thì sẽ không tốt. Điều này càng làm sếp cảm thấy mình hết sức đúng đắn khi can thiệp vào công việc của nhân viên.
Nhưng liệu những kết quả này có thật sự chứng thực giá trị của phong cách quản lý quá chặt chẽ này, hay rốt cuộc lại phản bác nó? Một nhà quản lý thật sự có tài phải tạo điều kiện để nhân viên phát triển. Trong khi đó, nhà quản lý quá coi trọng tiểu tiết thì lại ngăn cản nhân viên tự ra quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định ấy. Mà chúng ta đều biết rằng chính quá trình ra quyết định và chịu trách nhiệm mới giúp con người trưởng thành.
Chỉ có những vị sếp thiếu năng lực mới ôm hết việc vào mình. Một nhân viên không được phân quyền là một người không làm được việc gì ra hồn, lúc nào cũng phải trông chờ vào cấp trên.
Nếu mất quá nhiều thời gian và công sức quản lý một tập thể toàn những nhân viên “không làm được việc” như thế thì sớm muộn sếp cũng sẽ bị kiệt sức. Làm sao bạn có thể làm tốt những công việc mang tính chiến lược như hoạch định nếu suốt ngày bạn cứ phải lo giải quyết những chuyện vụn vặt ở bộ phận của mình? 

Nhà quản lý quá coi trọng tiểu tiết - Đã đến lúc thay đổi!

Nếu đã nhận dạng được những biểu hiện của cách quản lý quá coi trọng tiểu tiết và thấy được tác hại của nó, bạn nên làm gì để chấm dứt những hành vi này (nếu là bạn là sếp) hoặc tránh bị tổn hại bởi chúng (nếu bạn là nhân viên)?
Nếu bạn là sếp, cách tốt nhất để xây dựng một mối quan hệ tốt hơn với nhân viên là đối thoại với họ. Có lẽ bạn sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể mới có thể thuyết phục họ bạn thật sự muốn thay đổi. Tuy nhiên việc khó nhất là đón nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn của nhân viên về cách quản lý của bạn. Sau đó, như lời khuyên của chuyên gia tư vấn quản lý Marshall Goldsmith, bạn hãy nhận lỗi và tiến hành thay đổi cách quản lý, tức là bạn cần biết cách ủy quyền và phân quyền hợp lý cho nhân viên. Hãy bắt đầu trước tiên từ những nhân viên triển vọng nhất. 
Nếu bạn là nhân viên thì mọi việc sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hiện một số việc sau để cải thiện tình hình:
·    Tạo điều kiện để sếp giao việc cho bạn hiệu quả hơn bằng cách yêu cầu sếp cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết và thỏa thuận những mốc thời gian để duyệt xét kết quả ngay từ lúc đầu.
·    Tình nguyện đứng ra đảm trách những công việc hay dự án mà bạn tự tin mình có thể làm được. Việc này sẽ khiến sếp tin tưởng bạn hơn và cải thiện khả năng ủy quyền của ông (bà) ấy.
·    Thường xuyên báo cáo cho sếp về tiến độ thực hiện công việc để sếp khỏi mất công tìm kiếm thông tin chỉ vỉ lâu quá ông (bà) ấy không thấy bạn báo cáo.
·    Cùng một lúc, bạn chỉ nên giúp sếp thay đổi một thói quen của cách quản lý cũ. Bạn cần nhớ sếp cũng chỉ là con người nên vẫn có thể mắc sai lầm!
Tóm lại, khi một vị sếp không muốn ủy quyền cho cấp dưới, thích “bới lông tìm vết” và không thích nhân viên tự ra quyết định thì nhiều khả năng người này đang ngả theo phong cách quản lý quá coi trọng tiểu tiết. Quản lý theo kiểu này sẽ khiến nhân viên không “lớn” được và cản trở thành tựu mà tập thể có thể đạt được.
Việc đầu tiên để tránh sa vào cung cách quản lý này là nhận diện những biểu hiển của nó bằng cách đối thoại với nhân viên hay sếp. Nếu là nhân viên, bạn hãy chỉ cho sếp thấy còn có nhiều cách quản lý hiệu quả hơn. Nếu là sếp, bạn hãy cải thiện khả năng giao việc của mình cũng như biết đặt lòng tin vào khả năng làm việc và trưởng thành của nhân viên.
(Theo mindtools.com)

Quy tắc PERMA cân bằng cuộc sống

Ai cũng mong muốn một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ. Khi hạnh phúc, bạn làm việc hiệu quả hơn, mối quan hệ với mọi người xung quanh tốt đẹp hơn, và bạn cảm thấy mọi thứ thật tuyệt! Quy tắc PERMA chỉ ra cho bạn 5 yếu tố cần thiết để sống tích cực, cân bằng từ đó bạn sẽ hạnh phúc và thành công hơn trong công việc lẫn cuộc sống.
Quy tắc này được Martin Sligman, một nhà tâm lý học rất có uy tín công bố rộng rãi trong quyển “Flourish” (Thành đạt) của ông – một quyển sách có tầm ảnh hường lớn xuất bản năm 2011. PERMA gồm 5 yếu tố sau:

1. Những cảm xúc tích cực (P – Positive Emotions)

Những cảm xúc tích cực có thể kế đến như cảm giác hài lòng, hạnh phúc, thỏa mãn, bình yên, vui vẻ, tràn đầy hứng khởi… Những cảm xúc này mang đến cho bạn một nguồn năng lượng tràn trề cho công việc lẫn cuộc sống. Vì vậy, nếu bạn thấy mình vẫn chưa nếm trải đủ những cảm xúc tích cực trong cuộc sống, hãy ngừng lại
 và tự hỏi tại sao.


Quy tắc PERMA cân bằng cuộc sống

Trước tiên, xét về khía cạnh nghề nghiệp. Bạn đã thực sự phát huy hết tài năng và thế mạnh của mình trong vai trò hiện tại chưa? Bạn chỉ có thể hài lòng và hạnh phúc với công việc khi làm đúng việc yêu thích và phù hợp. Đồng thời, hãy dành đôi chút thời gian để xác định ai hay điều gì có thể đem lại niềm vui cho bạn. Ví dụ bạn thích được ở ngoài trời và hòa mình vào thiên nhiên. Vậy sao bạn không thử mang một chút mảnh xanh vào văn phòng hay góc làm việc của mình để cảm nhận được sự bình yên? Đơn giản là để thổi vào nếp sống thường nhật của bạn những luồng cảm xúc tích cực và những nguồn vui mới. Đừng trì hoãn những việc mang lại cho bạn khoảnh khắc hạnh phúc!

2. Sự gắn kết (E - Engagement)

Chỉ khi gắn kết thật sự với những việc đang làm, bạn mới đạt được kết quả tốt nhất. Cách tốt nhất để thật sự gắn kết với công việc là hãy yêu thích công việc đó. Hãy tìm những khía cạnh trong công việc mà bạn yêu thích như những dự án phù hợp, những người đồng nghiệp thân thiện, môi trường làm việc hay những điều bạn có thể học hỏi được. Nếu bạn không thể trả lời được câu hỏi “Bạn thích gì ở công việc hiện tại?”, đã đến lúc bạn tìm cho mình công việc mới thích hợp hơn.
Tiếp đó, hãy gắn kết bản thân với những điều bạn yêu thích trong cuộc sống. Chẳng hạn như đọc sách, xem phim, đi dạo, gặp gỡ bạn bè hay chơi thể thao… Chính những sở thích này sẽ giúp bạn giảm stress, lấy lại cân bằng.


3. Những mối quan hệ tích cực (R – Positive Relationships)

Con người là “những thực thể xã hội”, và những mối quan hệ tốt chính là cốt lõi của sự thành công. Thông thường, những người có mối quan hệ tích cực và nhiều ý nghĩa thường hạnh phúc hơn những ai không có được điều đó.
Bạn có những mối quan hệ tích cực trong cuộc sống không? Đó có thể là mối quan hệ gia đình, bạn bè, hay đồng nghiệp. Phần lớn thời gian của bạn tại nơi làm việc, mối quan hệ tốt với đồng nghiệp sẽ hỗ trợ bạn đắc lực trong công việc và giúp cân bằng cuộc sống nơi công sở. Xem bài 7 cách đắc nhân tâm nơi công sở để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp.
Tiếp đến, hãy nhìn lại cuộc sống cá nhân của bạn. Đã bao lâu rồi bạn chưa gặp người bạn thân? Sinh nhật của cha/mẹ bạn là ngày nào và bạn đã chuẩn bị gì chưa? Đôi khi cuộc sống bận rộn làm bạn xao lãng những mối quan hệ gia đình, bạn bè, những người luôn ở bên bạn dù bạn thành công hay thất bại. Hãy cam kết sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè và duy trì điều này thật đều đặn. Bạn không thể hạnh phúc khi không có họ trong cuộc đời này!

4. Ý nghĩa cuộc sống (M – Meaning)

Ý nghĩa cuộc sống đến từ việc phục vụ cho một mục đích lớn lao hơn chính bản thân mình. Mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau về ý nghĩa cuộc sống, đó có thể xuất phát từ tôn giáo hay từ mong muốn một cuộc sống tốt đẹp cho mọi người. Hãy tìm kiếm ý nghĩa trong từng việc bạn làm để nuôi dưỡng cho mình cảm xúc vui sống. Ví dụ, công việc bạn đang làm phục vụ cho ai, và mang lại cho họ những gì? Đây chính là động lực giúp bạn làm tốt công việc với niềm tự hào. Ngoài ra hãy dành thời gian bên gia đình, tham gia các hoạt động từ thiện… tất cả điều này giúp bạn sống có ý nghĩa hơn, khi đó bạn sẽ cảm thấy thật sự hài lòng.

5. Thành tích (A - Accomplishments/Achievement)

Nhiều người trong chúng ta luôn phấn đấu để hoàn thiện bản thân theo một cách nào đó – có thể là phát triển một kĩ năng, thăng tiến trong công việc hay chiến thắng ở một cuộc thi. Không lời nào có thể diễn tả được niềm vui và niềm tự hào khi đạt được những thành tích trên.
Thành tích chính là những mục tiêu bạn luôn cố hết sức để đạt được trong công việc lẫn cuộc sống. Xác định điều bạn thực sự muốn và đạt được những điều này sẽ giúp cuộc sống thăng hoa. Vậy đâu là những điều bạn muốn? Trả lời một số câu hỏi sau sẽ giúp bạn:
-    5 giá trị quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn là gì?
-    3 mục tiêu quan trong nhất trong đời bạn, ngay lúc này là gì?
-    Nếu hôm nay bạn biết rằng mình chỉ còn sống trong 6 tháng, bạn sẽ làm gì với khoảng thời gian còn lại?
-    Bạn sẽ làm gì nếu ngày mai bạn trúng 1 triệu đô la tiền mặt?
-    Bạn đã luôn muốn làm gì, nhưng lại ngại thử sức?
-    Bạn thích làm gì nhất? Điều gì đem lại cho bạn cảm giác tự hào và hài lòng về bản thân nhất?
-    Giả sử bạn biết mình sẽ không thất bại, thì điều vĩ đại nhất bạn từng dám ước mơ là gì?
Tuy nhiên, nếu quá thúc ép bản thân đạt được nhiều thành tích hơn, bạn sẽ cảm thấy áp lực và mệt mỏi dẫn đến mất cân bằng trong công việc và cuộc sống. Nếu bạn đang rơi vào trạng thái này thì đây có lẽ là thời điểm để nhìn lại và tập trung vào những yếu tố khác của quy tắc PERMA.
Chúc bạn tìm được cân bằng trong cuộc sống!
Lược dịch theo Mindtools