Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

TRẮC NGHIỆM - CÔNG VIỆC HIỆN TẠI CÓ PHÙ HỢP?

Một công việc phù hợp là nơi tài năng của bạn tỏa sáng, bạn sẽ làm việc với hiệu suất cao nhất và với một tinh thần lạc quan, thoải mái. Công việc đó cũng phải phù hợp với tính cách, sở thích, kỹ năng và những giá trị mà bạn tin tưởng, giúp bạn hoàn thành những mục tiêu trong cuộc sống và mang đến cho bạn sự tự hào về bản thân.
Cũng như khi tìm cho mình người bạn đời lý tưởng, một cộng việc lý tưởng cần đến sự tương đồng giữa hai bên ở nhiều mức độ khác nhau. Nếu bạn đang băn khoăn về công việc hiện tại, hãy trả lời ngay những câu hỏi trắc nghiệm sau để có cái nhìn khách quan hơn về công việc của mình. 
Những dấu hiệu của một công việc không phù hợp
Bạn biết mình đã chọn sai việc nếu:
•    Công việc của bạn chỉ đơn thuần là một phương tiện kiếm sống.
•    Đó là công việc mà bạn nhận làm 10 năm về trước, khi không còn sự lựa chọn nào khác.
•    Bố mẹ bạn vô cùng hãnh diện, nhưng bạn thì chán ngấy đến tận cổ.
•    Công việc khiến bạn buồn chán, làm tổn thương lòng tự trọng của bạn, làm suy giảm những giá trị riêng và cản trở sự hoàn thiện nhân cách của bạn.
•    Bạn chỉ mong sớm đến ngày cuối tuần.


TRẮC NGHIỆM - CÔNG VIỆC HIỆN TẠI CÓ PHÙ HỢP?


Đánh giá tình trạng công việc
Sau đây là một bảng câu hỏi giúp bạn đánh giá tình trạng công việc hiện tại của mình. Bạn hãy đánh dấu √ vào câu bạn thấy đúng (và đừng để ý đến chữ cái đứng sau mỗi câu).
•    Bạn mong chờ được đi làm mỗi ngày. (S)
•    Sếp đối xử với bạn một cách công bằng và tôn trọng. (S)
•    Bạn chỉ mong chờ đến ngày cuối tuần và bất cứ ngày nào không phải làm việc. (G)
•    Bạn thấy mình có giá trị và được trân trọng vì những đóng góp của mình cho công việc. (S)
•    Bạn cảm thấy nơi làm việc thật độc hại. (G)
•    Trong công việc, bạn được là chính mình và không phải lo lắng về việc bị đánh giá. (S)
•    Bạn được cập nhật mọi thông tin về tình hình hoạt động của công ty. (S)
•    Sếp thường xuyên thảo luận với bạn, đem lại cho bạn cơ hội phát triển và thăng tiến trong nghề nghiệp. (S)
•    Bạn được khen ngợi vì những nỗ lực của mình. (S)          
•    Công việc kích thích khả năng trí tuệ và tư duy của bạn. (S)
•    Bạn thấy mình đang đóng góp một phần hữu ích cho xã hội. (S)     
•    Bạn được đền đáp xứng đáng cho công việc của mình. (S)
•    Bạn thấy mình thường xuyên mơ tưởng về một công việc mới. (G)   
•    Bạn nhận thấy công việc hiện tại là bước phát triển tự nhiên cho chính con người thật của mình. (S)
•    Bạn tự thấy mình thành công. (S)                          
•    Bạn thấy mình như bị mắc kẹt trong vị trí hiện tại. (G)   
•    Bạn thấy mình hoàn toàn kiểm soát con đường sự nghiệp. (S)         
•    Bạn đang làm việc bằng tất cả năng lực của mình. (S)                  
•    Công việc hiện tại ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh bạn. (G)     
•    Bạn khao khát được thử sức ở một lĩnh vực khác mới mẻ hơn. (G)          
Giờ thì hãy đếm số “S” và “G” tại những câu mà bạn đã chọn. “S” là “Stay” (Ở) còn “G” là “Go” (Đi). Bảng câu hỏi này là một thước đo đáng tin cậy để bạn đánh giá mức độ phù hợp của công việc hiện tại. Bạn chọn càng nhiều câu “G” thì đã đến lúc bạn cần suy nghĩ nghiêm túc về một sự thay đổi, sự thay đổi tích cực!

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

KHƠI NGUỒN NĂNG LƯỢNG BẢN THÂN

Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao có người làm được những điều phi thường mà người khác lại không làm được? Vì sao họ có được nguồn năng lượng dồi dào để thúc đẩy bản thân đạt được những thành công nối tiếp thành công như vậy? Bí quyết, theo Brian Tracy (ảnh) – diễn giả hàng đầu thế giới về tư duy thành công – là biết cách khơi thông nguồn năng lượng quý giá tiềm ẩn bên trong con người bạn.
Chính nguồn năng lượng này sẽ thổi bùng ngọn lửa đam mê trong bạn, duy trì một ý chí vững vàng và một cơ thể khỏe mạnh để bạn theo đuổi và đạt được những mục tiêu lớn hơn trong sự nghiệp.

Năng lượng mục tiêu

Brian Tracy từng chia sẻ rằng ông ghi ra giấy mục tiêu kiếm được 1000 đôla/tháng từ việc bán hàng qua điện thoại. “Một tháng sau, vận may mỉm cười với tôi. Trong quãng thời gian này, tôi đã nghĩ ra một kỹ thuật bán hàng rất hiệu quả, khiến doanh số tăng lên gấp ba lần so với thời gian đầu… Sau 30 ngày kể từ hôm viết mục tiêu ra giấy, công ty đề xuất mức lương 1000 đôla/tháng… Chỉ trong 18 tháng, tôi chuyển từ vị trí một nhân viên bán hàng lên làm giám đốc kinh doanh, tuyển dụng và quản lý một đội ngũ hơn 95 con người.”

KHƠI NGUỒN NĂNG LƯỢNG BẢN THÂN 

Để kích hoạt năng lượng này, mục tiêu phải đủ lớn, cụ thể, khả thi và bản thân người đặt ra mục tiêu phải có sự hình dung thật sống động về nó. Viết mục tiêu ra giấy sẽ giúp bạn có sự cam kết để biến mục tiêu thành hiện thực. Một cách bản năng, con người sẽ tự hướng về mục tiêu của bản thân và kỳ diệu hơn nữa là mục tiêu cũng sẽ dần dịch chuyển về phía bạn. Đến một thời điểm cụ thể, tại một nơi cụ thể, bạn và mục tiêu sẽ gặp nhau.

Năng lượng thể chất

Bạn không thể làm việc tốt, không thể thành công nếu bản thân luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Làm việc trong tình trạng sức khỏe không tốt, bạn tạo rất ít giá trị, chỉ bằng một phần nhỏ so với năng lực thật sự khi bạn hoàn toàn khỏe mạnh và tràn đầy sinh lực. Vì vậy, để thành công, bạn nên có chế độ ăn uống và rèn luyện thể chất hợp lý.
Các nghiên cứu về dinh dưỡng cho thấy thức ăn ảnh hưởng rất lớn đến mức năng lượng trong suốt cả ngày. Những thay đổi trong khẩu phần ăn sẽ khiến bạn hưng phấn, năng động, tỉnh táo và tràn đầy sức sống. Bạn cũng nên tập thể dục đều đặn để có nhiều năng lượng và tinh thần thoải mái. “Sức khỏe là vàng”, khi sở hữu một cơ thể khỏe mạnh, bạn sẽ dễ đạt được mục tiêu đề ra.

Năng lượng tình yêu

Phần lớn người đi làm dễ rơi vào bẫy thu nhập: chấp nhận làm một công việc có thu nhập hấp dẫn nhưng chưa chắc là phù hợp với năng lực và đam mê của bản thân. Hoặc cũng có thể công việc diễn ra đều đều hàng ngày, khiến bạn nhàm chán.
Nếu không yêu thích 95% những gì đang làm, thì tốt nhất bạn nên rời bỏ công việc đó và tìm một việc làm mới. Bởi nếu thực sự say mê công việc của mình, bạn sẽ khó có thể rơi vào cảm giác chán nản, mất động lực.
Đồng thời, Brian Tracy cho rằng, nếu không có một gia đình hạnh phúc, bạn cũng khó có thể thành công. Vì vậy, hãy vun đắp cho gia đình mình, cho tình yêu của bản thân. Khi có tình yêu, mọi cảm xúc sẽ thăng hoa và công việc sẽ tiến triển tốt đẹp hơn.
Diễn giả Brian Tracy sẽ đến TP.HCM theo lời mời của ITDAnphabe.com. Ông sẽ trực tiếp huấn luyện một ngày duy nhất về “Nhân đôi hiệu năng công việc – Trở thành cá nhân và lãnh đạo kiệt xuất” ngày 15/12/2011.
 Đăng ký tại: http://www.itdworld.vn/briantracy

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

CEO FACEBOOK – MARK ZUCKERBERG, THÀNH CÔNG BẰNG CÁCH NÀO?

Nếu bạn có sử dụng Facebook thường xuyên để kết nối và cập nhật thông tin của bạn bè thì chắc chắn bạn không thể không biết đến Mark Zuckerberg, người đã làm thay đổi cách liên lạc của cả thế giới và kết nối mọi người gần nhau hơn. Để làm được điều này, Mark đã phải đánh đổi rất nhiều thứ như bỏ học ở Harvard, từ chối những khoản tiền khổng lồ chỉ để theo đuổi ước mơ trong công việc của mình và thành công của anh như ngày hôm nay là hoàn toàn xứng đáng.
Bạn hãy học tập những bí quyết thành công của CEO trẻ nhất thế giới và áp dụng vào sự nghiệp của mình để có những bước thăng tiến mới. Chúc bạn thành công!

1.    Nuôi dưỡng ước mơ

Nhiều người vẫn cho rằng Mark Zuckerberg trở thành triệu phú một cách dễ dàng, họ nghĩ anh tạo nên Facebook chỉ bằng một cú búng tay. Sự thật là, Mark Zuckerberg không phải là hình mẫu thành công trong một sớm một chiều. Hành trình đến với danh vọng và giàu sang của anh khởi đầu từ một ước mơ, một khao khát mà anh sẵn lòng hy sinh tất cả để đạt được.

CEO FACEBOOK – MARK ZUCKERBERG, THÀNH CÔNG BẰNG CÁCH NÀO? 

Đó là lý do Napoleon Hill từng nói: “Khao khát là khởi điểm của mọi thành tựu.”
Vì thế, nếu bạn muốn lặp lại thành công của Mark Zuckerberg; nếu bạn muốn trở nên giàu có và thành công, hãy bắt đầu bằng chính khao khát của bạn. Bạn muốn gì từ cuộc sống này? Bạn muốn mình sẽ ở đâu trong 10 năm tới? Và khi từ giã cõi đời, bạn muốn được nhớ đến nhiều nhất vì điều gì?

2.    Nghĩ lớn

Facebook là một dự án nằm trên máy tính của Mark Zuckerberg và anh hoàn toàn có thể chọn cách bán nó đi, nhưng anh đã từ chối. Anh từ chối bởi cái mà anh tìm kiếm không phải là một khoản tiền; điều anh thật sự quan tâm là Facebook sẽ giúp thế rộng mở hơn, mọi người liên lạc với nhau dễ dàng hơn. Facebook từng là một dự án nhỏ, song giấc mơ của Mark Zuckerberg không hề nhỏ bé.
Bạn thấy gì về công việc hiện tại của mình? Bạn đã làm tốt chưa? Bạn có thể làm tốt hơn nữa không? Bạn phải làm gì để tiến xa hơn và nhanh hơn trên con đường sự nghiệp của mình? Hãy dành thời gian để nhìn lại chặng đường đã qua và lên kế hoạch chuẩn bị cho mục tiêu tiếp theo mà bạn muốn đạt được. Luôn đặt ra cho mình những mục tiêu lớn hơn chính là cách bạn tiến gần đến thành công của chính mình.

3.    Tin vào bản thân

Tin tưởng vào bản thân là điều kiện tiên quyết để thành công, và Mark Zuckerberg có thừa sự tự tin. Bạn sẽ không bao giờ tạo dựng thành công trong sự nghiệp bằng cách đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Đừng bao giờ tự đánh giá thấp bản thân; hãy vững tin vào chính mình và những khả năng sẵn có – và bạn sẽ thành công.

4.    Theo đuổi niềm đam mê

Điều gì khiến bạn đam mê? Bạn có sẵn sàng để theo đuổi niềm đam mê ấy? Bạn có sẵn lòng hy sinh cho đam mê của mình? Đây là những câu hỏi bạn cần trả lời nếu muốn lặp lại thành công của Mark Zuckerberg.
Mark Zuckerberg say mê việc lập trình ngay từ thời thơ ấu và không ngừng theo đuổi niềm đam mê của mình, ngay cả khi điều này buộc anh phải mạo hiểm cả cuộc đời mình. Anh đã bỏ dở việc học ở trường đại học chỉ để chắn chắn rằng niềm đam mê của anh không bao giờ tắt. Sự mạo hiểm này đưa anh vào danh sách những triệu phú bỏ học giữa chừng giàu nhất thế giới. Quyết tâm cao độ chính là chìa khóa để tạo dựng nên sự nghiệp lớn từ con số không.

5.    Chấp nhận sự phê bình

Cũng như mọi doanh nhân thành đạt; Mark Zuckerberg luôn phải đối diện với những luồng phê bình chỉ trích. Tuy nhiên, những ý kiến ấy không làm anh nao núng. Sự phê bình là điều cần thiết trên con đường dẫn đến thành công, vì thế, bạn phải chuẩn bị sẵn sàng để không chỉ chấp nhận mà còn biết cách sử dụng nó như một lực đẩy. Đừng để sự phê bình khiến bạn rơi lại phía sau; thay vì thế, hãy dùng nó như một bước đệm để tiến xa hơn nữa. 

6.    Đừng sợ thách thức những kẻ khổng lồ

Mark Zuckerberg muốn Facebook trở thành trung tâm của internet, nhưng anh gặp phải một chướng ngại vật, một người khổng lồ không thể lay chuyển với vị thế vững chắc. Đó chính là Google. Mark có e sợ đối mặt với Google không? Câu trả lời là không. Đôi khi, thành công được tìm thấy ngay dưới chân người khổng lồ, nơi nhiều khó khăn và thử thách nhất. Khi đó chỉ có lòng can đảm mới đủ sức đương đầu với sự mạo hiểm và chắc chắn phần thưởng sẽ là xứng đáng. Giờ đây, Facebook từ con số không đã trở thành đối thủ xứng tầm mà gã khổng lồ Google phải luôn dè chừng.
Còn bạn, đừng bao giờ nản lòng khi phải đương đầu với những công việc tưởng chừng như quá sức. Bạn đủ tài năng và can đảm để làm tốt nhất công việc này. Hãy cố gắng hơn chút nữa và thành công sẽ đến!

7.    Tập trung và kiên trì

 “Điều tôi thật sự quan tâm là sứ mệnh của Facebook: khiến thế giới trở nên rộng mở hơn” – Mark Zuckerberg.
Bạn có biết lý do vì sao Facebook có thể đương đầu với Google? Câu trả lời nằm ở việc Mark Zuckerberg đã tập trung hoàn thành sứ mệnh của Facebook. Đó là lý do vì sao những nhân vật thành đạt như Warren Buffett, Bill Gates và Andrew Carnegie luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tập trung. Những nỗ lực phân tán đưa đến kết quả tối thiểu; ngược lại, những nỗ lực tập trung đem lại kết quả tối đa. Vì thế, hãy xác định một mục tiêu rõ ràng cho con đường sự nghiệp và tập trung khả năng và nguồn lực để đạt được mục tiêu đó!
Thành công của Mark Zuckerberg không phải là điều phi thường. Không có gì lạ khi anh trở thành tỉ phú trẻ nhất thế giới. Anh xứng đáng với vị trí hiện tại, bởi anh đã mơ ước, hoạch định và biến ước mơ của mình thành hiện thực. Anh luôn theo đuổi niềm đam mê của mình và toàn tâm toàn ý hoàn thành sứ mệnh Facebook. Trong thành công của Mark Zuckerberg, hoàn toàn không có chỗ cho sự may mắn.

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

6 BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA STEVE JOBS

Ngày 5/10 vừa qua, thế giới đã mất đi một huyền thoại về công nghệ và sáng tạo Steve Jobs. Người đã thổi hồn vào những chiếc điện thoại iPhone, máy nghe nhạc iPod, máy tính bảng iPad và máy tính Macbook, đưa chúng trở thành những món hàng công nghệ được săn đón nhất thế giới.
Steve Jobs ra đi, ông không chỉ để lại cho thế giới những kiệt tác công nghệ mà còn là những bài học về một thái độ sống tích cực, niềm đam mê và sự nỗ lực không mệt mỏi. Đây chính là những bí quyết giúp Steve vượt qua những khó khăn và vấp ngã để đến đỉnh thành công. Hãy học hỏi từ Steve: “Hãy luôn khao khát, hãy cứ dại khờ!”

1.  Làm điều bạn yêu thích
Theo Steve: “Hãy tìm kiếm nỗi đam mê đích thực của bạn. Hãy làm điều bạn yêu thích và tạo sự khác biệt! Cách duy nhất để đạt đến thành công tột bậc là yêu thích những gì bạn làm”
Hoàn toàn đúng! Làm một công việc bạn không thích thì cũng giống như nồi tròn mà úp vung méo. Mỗi ngày bạn đều cố gắng hết sức mình để làm việc, nhưng không bao giờ thật sự đạt được thành công mà bạn cảm
thấy mình đáng được nhận.

6 BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA STEVE JOBS 

Mỗi ngày làm việc là một trận chiến – hoặc ít nhất cũng là một chướng ngại cần vượt qua – bởi vì bạn chỉ cố gắng làm việc cho hết ngày để tối được về nhà, chứ không vui thú gì với công việc.
Khi bạn chỉ chú tâm làm việc cho hết ngày, hoặc tốn thời gian vào những dự án hoặc tác vụ không thú vị, bạn làm công việc khó khăn hơn cho chính mình. Khi bạn có sự đam mê, và bạn yêu thích những gì bạn làm, bạn sẽ làm việc với hiệu suất cao hơn, năng nổ và vui vẻ hơn với mọi người. Bối cảnh nào bạn nghĩ sẽ mang đến thành công một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất? Câu trả lời thật quá rõ ràng!
Vì thế, nếu bạn muốn thật sự thành công trong cuộc sống, đầu tiên, bạn phải dành thời gian và công sức để nhận ra bạn yêu thích việc gì, và sau đó tìm một chiến lược để đạt được nó. Việc này nghe có vẻ đơn giản, nhưng không phải lúc nào cũng dễ làm. Bạn cần chuẩn bị sẵn sàng để tự tiến hành tìm kiếm và khám phá đam mê thật sự của mình là gì (không phải cái bạn nghĩ đồng nghiệp, gia đình, bạn bè và xã hội trông đợi ở bạn). Việc ba mẹ của bạn muốn bạn trở thành một luật sư hay kế toán viên hàng đầu không đồng nghĩa với việc bạn sẽ tìm thấy thành công và niềm đam mê trong công việc đó.

2. Tầm nhìn xa
Theo Steve, “Bạn không nên lo lắng về quá nhiều việc cùng một lúc. Hãy bắt đầu từ một vài việc đơn giản, sau đó mới chuyển qua những việc phức tạp hơn. Hãy suy tính không chỉ cho ngày mai, mà còn cho tương lai.”
Sự quá tải vì công việc có thể cản bước tiến của bạn trên con đường công danh sự nghiệp. Đây là một bệnh dịch ác hiểm, có thể “đè bẹp” nhiều người trên hành trình đến thành công. Vì thế, bạn phải luôn giữ được sự tập trung. Sự quá tải vì công việc “lẳng lặng” đến khi chúng ta quên mất mục tiêu chính của mình và để nhiều việc khác tràn ngập trí não của chúng ta. Một khoảnh khắc bạn tập trung vào một việc tối quan trọng, có thể giúp bạn nhanh chóng đạt đến thành công. Tuy nhiên, ở phút kế tiếp, bạn lại mãi nghĩ về cả trăm việc khác bạn cần làm, và thế là sự quá tải đến!

3.  Hãy nêu cao tinh thần doanh nhân
Steve nói “Hãy tìm kiếm ý tưởng lớn kế tiếp. Tìm ra những ý tưởng cần được hiện thực hóa một cách nhanh chóng và quyết đoán rồi “nhảy” vào thực hiện nó. Đôi khi bước đầu tiên chính là bước khó khăn nhất. Hãy đi bước đầu tiên này! Hãy mạnh dạn theo đuổi tình cảm và trực giác của bạn.”
Không ít lần tôi tình cờ gặp những người thông minh và khôn ngoan đến tuyệt vời. Họ có những ý tưởng rất hay hoặc khả năng kinh doanh, nhưng họ không sẵn sàng để thực hiện “cú nhảy” mà Steve đề cập. Vấn đề ở đây là họ biết họ muốn cái gì, nhưng lại chưa tìm ra cách để có được chúng. Vì thế, họ dừng lại và không tiến thêm nữa.
Mặc dù có một kế hoạch hay chiến lược để hiện thực hóa ý tưởng là rất quan trọng, không nên để việc quá chú trọng vào “LÀM CÁCH NÀO đạt những mục tiêu” khiến công việc của bạn bị đình trệ. Đôi lúc bạn không thể nào biết được tất cả các câu trả lời. Không sao cả, cứ tiếp tục công việc, từng bước một. Cuối cùng, tất cả những chi tiết bạn cần biết sẽ lộ ra. Còn nếu không làm gì cả, bạn sẽ chẳng tiến được đến đâu
Ca sĩ/tay guitar nổi tiếng Jim Rowland đã từng nói “Sự kỷ luật chỉ nặng một ounce còn sự hối tiếc nặng đến một tấn” (1 tấn = 32 000 ounce). Hãy duy  trì tính kỷ luật và lòng dũng cảm để tiến về phía trước theo từng bước nhỏ, và bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc về những tiến bộ bạn đã đạt được.

4. Hãy tạo sự khác biệt
Theo Steve “Hãy tạo sự khác biệt. Hãy suy nghĩ khác mọi người. Chẳng thà làm một tên cướp biển còn hơn là gia nhập đội ngũ hải quân”
Tôi thích câu này của Steve vì cả từ “hải quân” và “cướp biển” đều gợi nhớ cho tôi nhiều điều! Tôi đã làm việc 14 năm trong môi trường công ty (chưa kể một khoảng thời gian ở trong quân dự bị) nhưng tôi đã vứt bỏ những điều đó để thành lập công ty Outshine Consulting and The Success Rules. Hiện tại không có sự lựa chọn nào tốt hơn cái nào, nhưng tôi nghĩ điểm mấu chốt cần suy nghĩ ở đây là bạn muốn nắm giữ vị trí gì trong cuộc sống.
Nếu chúng ta sống trong một thế giới liên tục thay đổi, chúng ta sẽ cảm thấy mọi thứ đều hỗn loạn. 
Tuy nhiên, để trở thành một doanh nhân thành công như Steve Jobs, điều tối quan trọng là bạn phải liên tục tìm cách thay đổi hiện trạng (status quo), tìm kiếm những ý tưởng mới, có đầu óc cách tân và sáng tạo. Việc làm theo những gì có sẵn nhiều khả năng sẽ tạo ra những kết quả cũ hơn là những cái hiện đại và mới mẻ.
Bạn muốn có sự thách thức và thay đổi, hay bạn thích sự ổn định? Hãy thành thật với chính bản thân bởi vì không phải ai cũng có thể làm lính hải quân, và không phải ai cũng có thể làm hải tặc giỏi!

5. Nỗ lực hết mình
Theo Steve “ Hãy nỗ lực hết mình khi làm bất cứ việc gì. Thành công sẽ tạo ra thành công. Vì thế hãy khát khao thành công"
Nếu bạn “mắc kẹt” trong việc suy nghĩ xem làm cách nào để thành công, hoặc chờ đợi thành công đến với mình, bạn sẽ dậm chân tại chỗ. Thành thật mà nói, đứng yên tại chỗ cho thấy bạn không thật sự khát khao thành công.
Bạn cần tiếp tục công việc, và phải năng động vì mỗi một thành công bạn có – dù nhỏ đến đâu - sẽ giúp tạo ra nhiều và nhiều thành công về sau. Khi động lượng tăng lên thì mức độ thành công của bạn cũng tăng theo. Đến lượt mình, nó lại tạo ra thêm nhiều động lượng và động lực làm việc. Trong điều kiện lý tưởng nhất, đó chính là hiệu ứng quả cầu tuyết (Khi một quả cầu tuyết lăn xuống dốc, nó tích lũy thêm nhiều tuyết bám trên bề mặt nên ngày một lớn hơn) Tuy nhiên, bạn vẫn cần có lòng khao khát để đạt được mục tiêu và sẵn lòng hành động để trải nghiệm nó.

6. Không ngừng học hỏi
Theo Steve “Lúc nào cũng có một cái gì đó mới mẻ để bạn học! Trao đổi ý kiến, học hỏi từ khách hàng, đối thủ cạnh tranh và đối tác. Nếu bạn làm việc với một người bạn không thích, hãy học cách thích họ. Hãy khen ngợi họ và thu được lợi ích gì đó từ họ.”
Nếu năng lực của bạn không gia tăng, bạn sẽ chết dần. Đây có thể là một câu khó nuốt, nhưng đó là sự thật. Nếu không phát triển, học hỏi và trưởng thành, bạn sẽ trở nên ốm yếu và chết dần. Bạn muốn mình rơi vào trường hợp nào?
Steve Jobs rõ ràng có được sự cân bằng. Ông không đạt được thành công như ngày hôm nay bằng cách nghỉ ngơi và tận dụng những tri thức sẵn có. Ông liên tục sáng tạo và đổi mới. Điều này chỉ có thể đạt được từ việc không ngừng học hỏi.
Thông qua việc xây dựng một mạng lưới quan hệ xã hội hữu hiệu, bạn có thể học được nhiều điều từ những người thông thái. Họ có thể thách đố tư duy của bạn và giúp bạn phát triển ý tưởng và chiến lược mới để đạt được thành công. Học tập cũng giống như tiêu tiền. Bạn có thể mở mang kiến thức mỗi ngày bằng cách nhận thức ưu điểm của những người xung quanh bạn, hoặc đọc sách thay vì ngồi trước màn hình. Sự lựa chọn là của bạn.
(Theo Ezinearticles.com)