Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

PHỎNG VẤN QUA ĐIỆN THOẠI - NÊN VÀ KHÔNG NÊN


Trong quy trình tuyển dụng, phỏng vấn qua điện thoại đã trở nên không quá xa lạ đối với nhà tuyển dụng lẫn ứng viên. Đây là bước giúp nhà tuyển dụng đánh giá sơ bộ và sàn lọc ứng viên cho vòng phỏng vấn trực tiếp. Nếu ghi điểm tốt, cơ hội vào vòng phỏng vấn trong là rất cao. Tuy nhiên, không phải ứng viên nào cũng ý thức được tầm quan trọng của phỏng vấn qua điện thoại để có sự chuẩn bị cần thiết.
Làm gì để không bất ngờ khi nhận điện thoại từ nhà tuyển dụng? Trả lời như thế nào để hồ sơ của bạn lọt tiếp vào vòng trong? Công thức 8+4 sau sẽ giúp bạn!

8 điều nên làm 
1. Thực tập phỏng vấn. Sự lưu loát và tự tin trước nhà tuyển dụng đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy bạn có thể nhờ người thân hoặc bạn bè đóng vai nhà tuyển dụng và đưa ra các câu hỏi và tình huống cụ thể cho bạn trả lời. Bạn nên nhờ họ nhận xét xem giọng bạn có run quá không, bạn nói thế nào, có đủ nghe hay quá to…
2. Cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác. Đây có thể xem là lần nói chuyện đầu tiên và chính thức của bạn với nhà tuyển dụng. Hãy tận dụng cơ hội này để cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin, cũng như trình bày thêm những gì mà hồ sơ tìm việc của bạn có thể chưa nói hết được.
3. Chủ động để xưng hô tự tin. Đừng để người phỏng vấn và chính bạn mơ hồ về tuổi tác và giới tính của nhau. Bạn hãy chủ động giới thiệu về mình và hỏi người phỏng vấn xem bạn nên xưng hô với họ thế nào.
4. Chọn không gian yên tĩnh. Đừng trả lời phỏng vấn ở những nơi quá ồn ào vì bạn sẽ không thể nghe hết những gì nhà tuyển dụng nói. Hãy chọn một nơi yên tĩnh và tiện lợi, chuẩn bị sẵn một chiếc ghế, bàn, một tờ giấy, một cây bút...
5. Đặt hồ sơ tìm việc trước mặt. Phỏng vấn qua điện thoại là cơ hội để bạn chứng tỏ với nhà tuyển dụng rằng bạn là người xứng đáng được phỏng vấn trực tiếp. Vì vậy hãy chuẩn bị cẩn thận. Nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi những câu hỏi để kiểm tra lại những gì bạn đã ghi trong hồ sơ tìm việc. Vì dụ như: "Tôi thấy trong hồ sơ bạn đã ghi rằng bạn có kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực Marketing, vậy bạn có thể tóm tắt lại những gì đã làm trong thời gian đó?". Hồ sơ tìm việc đặt sẵn sẽ giúp bạn không rơi vào tình cảnh bối rối vì không nhớ hết những việc mình đã làm. Nhìn vào hồ sơ, tóm tắt sơ lược những công việc mình đã đảm nhiệm và đừng quên nhấn mạnh vào những thành tích nổi bật bạn đã đạt được. Lưu ý rằng, những kinh nghiệm hay thành tích này phải phù hợp với yêu cầu của công việc bạn đang phỏng vấn. 
6. Nói rõ ràng. Hãy đảm bảo rằng bạn trả lời phỏng vấn một cách rõ ràng, và bạn cũng nghe rõ những điều người phỏng vấn nói.
7. Đứng khi trả lời phỏng vấn. Theo các chuyên gia thì ở tư thế đứng bạn sẽ trả lời một cách dễ dàng hơn. Nhưng nếu cuộc nói chuyện kéo dài, bạn có thể ngồi một chút rồi lại đứng dậy.
8. Kết thúc buổi phỏng vấn ấn tượng. Cũng giống như phỏng vấn trực tiếp, hãy tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng ở bên kia đầu dây bằng những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị. Và cũng đừng quên cảm ơn nhà tuyển dụng bạn nhé!
4 điều không nên làm
1. Nói không ngớt. Nếu bạn đã trả lời xong câu hỏi của mình mà người phỏng vấn không hỏi tiếp thì bạn cũng không nên huyên thuyên để “chữa cháy”. Có thể họ đang dành thời gian để bạn nói hết suy nghĩ của mình. Hoặc cũng có thể họ đang phân tích câu trả lời của bạn.
2. Hắt hơi hay ho. Nếu bạn không thể kiềm chế được thì nên xin lỗi người phỏng vấn trước, rồi để máy nghe xa ra.
3. Tỏ vẻ hoảng hốt. Đừng thể hiện như vậy khi người phỏng vấn hỏi bạn những điều bạn chưa chuẩn bị hoặc chưa kịp nghĩ ra. Trong trường hợp này, bạn hãy yêu cầu nhà tuyển dụng cho bạn vài phút suy nghĩ. Bạn biết không sự thiếu tự tin có thể thể hiện qua giọng nói và hơi thở của bạn đấy.
4. Ăn uống. Đây là điều đại kỵ trong khi tham gia phỏng vấn qua điện thoại. Nhai nhóp nhép khi nói chuyện điện thoại bình thường đã là kém lịch sự rồi, huống chi đây là buổi phỏng vấn. Tránh nhai cả kẹo cao su bạn nhé!

Theo vietnamworks.com

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Mười lỗi làm hỏng hồ sơ tìm việc của bạn

Trước một cuộc phỏng vấn, ấn tượng đầu tiên của công ty đối với bạn chắc chắn đến từ hồ sơ xin việc, đó là hai trang giấy mô tả toàn bộ quá trình học tập và kinh nghiệm làm việc của bạn. Đối với một không gian giới hạn như vậy, bạn cần làm đúng ngay từ đầu.
Sau đây là 10 lỗi phổ biến khi viết hồ sơ. Mặc dù việc tránh các lỗi này không có nghĩa là bạn sẽ nhận được công việc, nhưng nó giúp bạn đi đúng hướng.

Lỗi 1: Hồ sơ trông như một nhật ký công việc không hơn không kém
 
Dĩ nhiên cần phải cho nhà tuyển dụng biết kinh nghiệm làm việc trước đây của bạn. Nhưng thay vì chỉ liệt kê những trách nhiệm của các công việc trước, bạn hãy làm nổi bật những thành tích ấn tượng cùng với con số cụ thể minh họa. Chẳng hạn nói bạn đã giúp tăng 10% doanh thu sẽ gây ấn tượng đặc biệt hơn so với nói rằng bạn đã lãnh đạo đội ngũ kinh doanh.

 
Lỗi 2: Dùng đại từ xưng hô 
 
Hồ sơ của bạn không phải là thư từ, vì thế không nên dùng các đại từ nhân xưng hay sở hữu ở ngôi thứ nhất như “Tôi” hay “của tôi”. Hãy để các đại từ trong thư xin việc.

Lỗi 3: Đưa vào các thông tin cá nhân và không liên quan 
 
Bạn không có nhiều không gian trong hồ sơ, vì thế đừng để phí những khoảng trống quý giá đó cho những thông tin không liên quan tới vị trí bạn đang ứng tuyển.

Lỗi 4: Sử dụng từ bị động
 
Hồ sơ của bạn phải sử dụng các câu từ mạnh mẽ, rõ ràng và cách tốt nhất để đạt hiệu quả đó là sử dụng các động từ để mô tả thành tích. Các động từ như “Điều phối”, “Đạt được”, “Quản lý” hay “Thực hiện” sẽ làm hồ sơ của bạn thêm hấp dẫn.

Lỗi 5: Lặp lại từ ngữ
 
Dù việc dùng các động từ rất quan trọng, bạn đừng quên sử dụng nhiều động từ khác nhau. Đừng tập trung sử dụng một hai từ nào đó trong suốt hồ sơ. Cố gắng tìm từ thay thế tương đương và nhiều cách diễn đạt khác nhau cho cùng một ý.

Lỗi 6: Trình bày quá xấu hoặc quá khoa trương
 
Mặc dù nội dung là điều then chốt trong hồ sơ, việc trình bày nó thế nào cũng rất quan trọng. Sử dụng các định dạng thống nhất, như dùng một font chữ, kích cỡ hay cùng một kiểu gạch đầu dòng. Không nên dùng các định dạng quá màu mè hoặc quá sáng tạo với các loại font khác truyền thống hay đồ họa trừ phi vị trí ứng tuyển đòi hỏi cực kỳ sáng tạo. Hãy để hồ sơ của bạn rõ ràng, đơn giản và chuyên nghiệp.

Lỗi 7: Gửi hồ sơ mà không có thư xin việc đi kèm
 
Một trong những điều tệ nhất là gửi đi một hồ sơ tuyệt đẹp nhưng lại không có thư giới thiệu về mình đến nhà tuyển dụng. Hồ sơ và thư xin việc là một cặp không thể tách rời. Thư xin việc là một cách để bạn khéo léo quảng bá về kỹ năng kinh nghiệm của mình.

Lỗi 8: Gửi đi một hồ sơ chung chung hoặc đại trà
 
Mặc dù kinh nghiệm làm việc của bạn không thay đổi, nhưng hồ sơ thì cần được điều chỉnh theo lĩnh vực bạn dự tuyển. Ví dụ nếu bạn tìm một công việc về bán hàng, hồ sơ của bạn phải gồm các thông tin khác với các thông tin đưa vào hồ sơ cho một công việc quản lý. Hãy viết hồ sơ hướng đến mục tiêu bạn tìm kiếm và giúp người đọc dễ dàng nhận ra vì sao bạn là ứng viên phù hợp.

Lỗi 9: Lỗi đánh máy, chính tả hoặc ngữ pháp
 
Trước khi gửi hồ sơ, hãy đọc kỹ và kiểm tra nhiều lần. Rất nhiều nhà tuyển dụng đã không ngần ngại cho các hồ sơ mắc những lỗi này vào thùng rác.

Lỗi 10: Gửi hồ sơ tới một người không biết tên
 
Chắc chắn là bạn không muốn hồ sơ của mình bị ném vào thùng rác, vậy hãy tránh gửi cho:”Giám đốc nhân sự” hay “Gửi người có liên quan”. Hãy dành chút thời gian tìm hiểu tên người tuyển dụng bạn.

Theo vietnamworks.com

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Công việc mơ ước trong tầm tay

Bạn vừa chấm dứt một công việc không có gì thú vị và đang đi tìm việc mới? Thế nhưng công việc cứ “né tránh” bạn, cả 1 tuần nay, 2 tuần nay, 1 tháng nay và nhiều hơn thế nữa? Bạn đã hoàn thành đầy đủ các công việc cần thiết rồi đó chứ: nộp đơn ứng tuyển vào các vị trí đăng trên báo, đăng hồ sơ trên mạng và gửi hồ sơ trực tuyến đến nhà tuyển dụng. Thế nhưng những nỗ lực đó liệu đã đủ chưa? Câu trả lời là CHƯA!
Bạn đau đầu than thở “Việc ơi, mi ở đâu!” Nếu đó là tình hình hiện tại của bạn thì đã đến lúc bạn phải điều chỉnh lại chiến lược của mình, cân nhắc xem phương pháp tìm việc có phù hợp không. Luôn nhớ bạn cần tích cực và năng động hơn, nhất là đừng bao giờ nghĩ rằng việc làm sẽ tự đến với bạn!

Viết hồ sơ tìm việc thật thuyết phục

Đối với một thị trường phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng như Việt Nam hiện nay, số lượng người tìm việc ngày càng tăng trong khi số lượng việc làm thì có hạn.

 

Vì vậy nhà tuyển dụng thường sẽ loại đi tất cả hồ sơ không đạt chất lượng và chỉ giữ lại những hồ sơ tốt nhất.
Vì vậy, hãy nhớ rằng hồ sơ của bạn, công cụ tiếp thị cho bản thân bạn, cần phải hoàn hảo để giúp bạn nổi bật hơn các ứng viên khác. Nếu bạn viết hồ sơ bằng tiếng Anh, hãy đọc thật kỹ để đảm bảo hồ sơ của bạn sạch lỗi chính tả và lỗi đánh máy, là hai lỗi mà nhà tuyển dụng tối kỵ. Nếu có thể, bạn nên nhờ một người bản xứ đọc lại và hiệu chỉnh hồ sơ của bạn để tránh các lỗi về câu cú, ngữ pháp. Hãy đảm bảo rằng hồ sơ của bạn nêu bật những thành tích và kết quả mà bạn đạt được trong công việc trước đây chứ không chỉ đơn thuần liệt kê các nhiệm vụ của bạn.

Viết có mục tiêu, viết có chủ đích

Để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng bạn cần nhớ nguyên tắc số một là nội dung cần hướng tới người đọc. Nghĩa là bạn phải nêu bật được các giá trị của bản thân sao cho phù hợp với yêu cầu của quảng cáo tuyển dụng. Đừng trình bày một cách vu vơ, không chủ đích trong hồ sơ của bạn. Ví dụ, nói rằng bạn thích một “môi trường làm việc tốt” chẳng nói được gì với nhà tuyển dụng về việc bạn thực sự yêu thích vị trí mà bạn ứng tuyển. Nếu kỹ năng sử dụng máy tính giỏi được nêu trong quảng cáo tuyển dụng thì bạn hãy ghi rõ trong hồ sơ kỹ năng này (nếu bạn thực sự có). Và hãy chắc rằng bạn có thể trả lời một cách thuyết phục câu hỏi tại sao bạn yêu thích một công việc nào đó mà bạn sẽ đảm trách cho vị trí ứng tuyển.

Hãy làm cho bạn thật sự nổi bật!

Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là làm sao đảm bảo cho hồ sơ của bạn không bị lạc mất trong núi hồ sơ cao ngất của ứng viên. Để hồ sơ của bạn được chú ý trong núi hồ sơ này, bạn hãy tận dụng những tiện ích cải thiện hồ sơ có thể dễ dàng tìm thấy ở các trang web việc làm như VietnamWorks. Nếu bạn thường xuyên cập nhật hồ sơ, bạn sẽ có một hồ sơ luôn mới và đầy đủ thông tin quan trọng để thu hút nhà tuyển dụng, và tạo một khoảng bức phá cực xa so với hàng trăm đối thủ khác.

Hãy biết tận dụng cơ hội rộng mở!

Cuối cùng, bạn không nên đặt tất cả hi vọng vào một công việc duy nhất. Bạn nên mở rộng cơ hội việc làm thông qua tiếp xúc với nhiều bạn bè và người thân. Đây là cách giúp bạn thu thập thông tin, càng nhiều càng tốt, để tìm được công việc mà bạn mong muốn. Nếu biết xây dựng mạng lưới bạn bè tốt, hồ sơ của bạn càng nhanh đến tay người có thẩm quyền quyết định tuyển dụng. Vì vậy, bạn hãy gặp gỡ bạn bè hay người thân để biết hiện nay họ đang làm gì. Và cũng đừng ngại trình bày với nhà tuyển dụng (nếu được hỏi) những ai đã trợ giúp bạn trong quá trình tìm việc. Bạn biết đó hiện nay nhiều công ty có chế độ thưởng cho nhân viên nào giới thiệu người giỏi cho công ty.
Tìm việc quả là không dễ. Nhưng với vài bí quyết trên, chúng tôi hy vọng khả năng thành công của bạn sẽ tăng lên một cách bất ngờ.

Theo vietnamworks.com

6 mẹo giúp bạn đổi việc thành công

Bạn đang có kế hoạch thay đổi việc làm và đang cân nhắc những yếu tố giúp bạn thành công. Một số mẹo nhỏ có thể giúp bạn với điều kiện bạn suy nghĩ thật nghiêm túc để không phạm sai lầm nào ở “hành trình” tiếp theo của mình.
1. Biết rõ mình muốn

Đừng đổi việc vì thấy người khác thành công trong một lĩnh vực nào đó. Bạn hãy nhớ, khi lựa chọn một công việc, nếu bạn quyết định dựa trên thành công của một ai đó về lĩnh vực mà bạn quan tâm, chắc chắn bạn sẽ thất bại, đơn giản vì mỗi người đều có những kỹ năng và năng lực khác nhau.

2. Bạn có thế mạnh trong lĩnh vực nào

Bạn cần phân tích các kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực bản thân để biết được kỹ năng nào của bạn nổi trội nhất? Kỹ năng nào có thể áp dụng cho công việc mới? Quan trọng hơn, bạn có những điểm yếu nào vì điều đó sẽ giúp bạn tránh những công việc không phù hợp với bạn.




3. Lương cao chưa phải là lý do hàng đầu 

Tìm kiếm một công việc mới là tìm kiếm những điều giúp bạn hài lòng hơn so với công việc hiện tại, trong đó có nhu cầu về lương bổng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi bạn đầu tư cho một sự nghiệp mới, lương chưa phải là lý do hàng đầu. Nếu được lương cao nhưng công việc quá căng thẳng, hay bạn không còn thời gian dành cho gia đình nữa, liệu bạn có cảm thấy hạnh phúc? Vì vậy, hãy tìm công việc mà bạn yêu thích và thực sự đam mê.

4. Bạn yêu thích và đam mê công việc nào

Xác định được điều đó không khó khăn lắm. Bạn hãy thử trả lời câu hỏi này “Tôi có làm công việc này không nếu nhận được mức lương tối thiểu có thể duy trì cuộc sống của mình?” Trả lời “Có” nghĩa là bạn rất yêu quý công việc này. Ngoài ra, bạn nên đọc báo chí và theo dõi các thông tin liên quan đến công việc bạn quan tâm. Bạn sẽ tìm ra đâu là lĩnh vực mà bạn quan tâm nhất và biết được chúng có phù hợp với mình hay không.

5. Chuẩn bị một CV thật ấn tượng

Điều quan trọng bạn cần nhớ là “CV là công cụ tiếp thị năng lực của bạn đến nhà tuyển dụng”. Vì vậy bạn cần nêu bật các kỹ năng xuất sắc nhất của mình trong CV và đảm bảo rằng đây chính là những khả năng và thế mạnh mà công ty mới đang tìm kiếm. Có thể bạn chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực mới nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không có kỹ năng cần thiết cho công việc. Hãy đảm bảo rằng những gì bạn thể hiện trong CV chứng minh được với nhà tuyển dụng rằng bạn là một nhân viên có năng lực.

6. Tạo dựng và phát triển tốt các mối quan hệ

Hãy nói cho tất cả bạn bè và người thân của bạn biết về lĩnh vực mà bạn quan tâm và tham khảo ý kiến của họ về công việc mà bạn muốn theo đuổi. Mọi người sẽ không ngần ngại chia sẻ lời khuyên của họ với bạn đâu. Đặc biệt, bạn bè người thân là những người có thể giới thiệu cho bạn những cơ hội việc làm ở công ty của họ, là nguồn mang đến cho bạn những thông tin “sốt dẻo” nhất mà bạn sẽ không tìm thấy trên các kênh tìm việc khác như báo chí.

Theo vietnamworks.com