Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

10.000USD/tháng, bạn có làm không?

Trong quá trình đàm phán lương, nói hay không nói hai từ có thể làm bạn mất hay được hàng trăm/nghìn USD. Vì vậy ngay khi nhà tuyển dụng đưa ra mức lương đầu tiên trong đàm phán, đừng vội đưa ra hai từ "OK". Ngoài việc cân nhắc, tính toán giá trị đích thực của mình, bạn phải biết nghệ thuật “lưỡng lự” để hướng tới mức lương cao hơn từ ông chủ.
Ngập ngừng - chiến lược căn bản trong đàm phán Đàm phán lương là một kỹ năng quan trọng mà không phải ai cũng có được. Chính vì vậy, Jack Chapman, tác giả quyển: "Đàm phán lương: Làm thế nào có được 1.000 USD trong một phút", đã đưa ra rất nhiều lời khuyên cho các ứng viên. Theo đó, các ứng viên cần phải tính toán mức độ công việc có tương ứng với tiền lương hay không trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Trong giao tiếp, ngập ngừng thường không được đánh giá tốt. Tuy nhiên trong đàm phán lương, ngập ngừng lại là một chiến lược “phát huy tác dụng”. Vì vậy, nếu nhà tuyển dụng đưa ra mức lương 10.000USD/tháng, một ứng viên thông minh sẽ biết cân nhắc con số này và tỏ vẻ lưỡng lự như đang cân nhắc kỹ lưỡng.



Trong tình huống này, nhà tuyển dụng rất có thể chờ đợi câu trả lời của bạn hoặc hỏi bạn nghĩ gì về mức lương này. Trước thái độ ngập ngừng của bạn, họ có thể đưa ra một mức lương cao hơn nữa, tất nhiên với điều kiện họ phải thấy bạn xứng đáng với mức lương cao này.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự ngập ngừng trong tình huống này cho nhà tuyển dụng thấy bạn không hề bị ngợp trước mức lương mà ông ta đưa ra. Đây cũng là khoảng thời gian bạn nên tận dụng để cân nhắc sự tương quan giữa năng lực và mức lương mà họ đưa ra cho bạn. Nếu bạn đang làm rất tốt công việc của mình, bạn nên biết chính xác bạn xứng đáng được trả bao nhiêu. Hãy nói với nhà tuyển dụng, bạn đã nghiên cứu và biết đúng giá trị của bạn.
Trong trường hợp tiền lương mà nhà tuyển dụng đưa ra đúng với mong muốn của mình, đừng chần chừ, hãy chấp thuận nó một cách vui vẻ. Hầu hết các ông chủ đều rất hài lòng với cử chỉ này. Điều đó thể hiện cho ông chủ tương lai thấy bạn rất tin tưởng, nhiệt tình và hết lòng đối với công việc và công ty.
Ngược lại, trong trường hợp bạn chưa sẵn sàng, bạn có thể xin phép nhà tuyển dụng lùi lại thời điểm trả lời vào ngày hôm sau kèm theo lời hứa, sẽ gọi lại trong thời gian sớm nhất có thể.
Nguyên tắc khi đàm phán lương
Để đối phó với tất cả các "cái bẫy" của nhà tuyển dụng, Chapman cũng đã đưa ra 3 nguyên tắc khi đàm phán lương.
Nguyên tắc đầu tiên
Đừng vội vàng "ra giá" trước khi nhà tuyển dụng biết rõ về bạn. Thông thường, ai cũng sẵn sàng trả giá cao hơn mức thông thường cho những thứ mà họ thực sự muốn. Nếu công ty nhận thấy bạn đáp ứng đủ yêu cầu và họ cảm thấy thích bạn, họ sẵn sàng đưa ra mức lương cao.
Nguyên tắc thứ hai
Nếu nhà tuyển dụng bắt đầu quá trình phỏng vấn bằng câu hỏi: "Bạn muốn nhận bao nhiêu tiền lương một tháng?", bạn đừng vội đưa ra ngay mức bạn muốn. Hãy lưỡng lự và chần chừ với câu trả lời: "Chúng ta có thể nói về vấn đề này sau khi tôi biết cụ thể công việc của mình được không?"
Nguyên tắc thứ ba
Trong trường hợp nhà tuyển dụng nói trước công việc và trách nhiệm của bạn, sau đó tìm hiểu bạn muốn mức lương bao nhiêu. Bạn có thể im lặng một lúc và nói: "Tôi muốn biết cụ thể hơn nữa về công việc này". Hoặc: "Theo anh (chị) ở vị trí đó mức lương của tôi là bao nhiêu thì phù hợp?"
Theo VTV

Tăng giá trị, tăng lương

Lương bổng là một vấn đề tế nhị mà nhiều người cảm thấy e ngại khi đề cập, đặc biệt khi yêu cầu một mức lương cao hơn, vì nhiều lý do như sợ bị từ chối, sợ mất mặt, hoặc sợ tạo ra cảm giác không thoải mái trong mối quan hệ giữa mình và cấp quản lý. Cũng không ít bạn mong sếp sẽ tự nhận ra và đánh giá đúng năng lực của mình.
Theo cách nghĩ trên, bạn đã đặt sự thành công và giá trị của mình vào tay người khác. Bạn đã bỏ qua những gì mình xứng đáng được nhận và chấp nhận cảm giác không hài lòng. Hãy nhận thức rằng việc yêu cầu tăng lương là rất bình thường, và nếu bạn không thành công, bạn không mất gì cả, ngược lại bạn đã bày tỏ được chính kiến của mình.
Nếu bạn tin vào khả năng của bản thân, bạn tin là mình xứng đáng với một mức lương tốt hơn, hãy mạnh dạng trình bày với sếp. Bốn lời khuyên sau sẽ giúp bạn:

1.    Bạn đáng giá bao nhiêu?
Lý do tốt nhất để bạn thuyết phục sếp tăng lương chính là chứng minh giá trị của bạn đối với công ty.

Để định nghĩa được giá trị của mình, bạn phải tự suy nghĩ về những đóng góp mà bạn đã đem lại cho công ty, ý nghĩa và tầm quan trọng của công việc bạn đang làm đối với công ty ở thời điểm hiện tại, và khả năng đóng góp nhiều hơn của bạn trong tương lai.
Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu mức lương cho vị trí của mình trên thị trường bằng nói chuyện với bạn bè hoặc những người trong ngành, tìm hiểu trên sách báo, các tài liệu về khảo sát lương. Thông thường công ty sẵn sàng trả cho một nhân viên xuất sắc mức lương cao hơn mức trung bình của thị trường thay vì phải tuyển một người mới với mức lương thấp hơn, đặc biệt là đối với những vị trí khó tuyển như vị trí chuyên viên đòi hỏi những kỹ năng không phổ biến. Ngoài ra, bạn cũng có thể ứng tuyển cho những vị trí tương tự ở các công ty khác để tìm hiểu mức lương mình có thể nhận được. Điều này sẽ giúp bạn có được thông tin tham khảo đáng tin cậy và tự tin hơn khi đưa ra một con số cụ thể để thương lượng với sếp.

2.    Chứng minh giá trị của bạn
Như đã nói ở trên, bạn cần định nghĩa được giá trị của mình đối với công ty bắng một con số cụ thể. Tuy nhiên, khi trình bày với sếp, hiểu và có một con số cụ thể thôi vẫn chưa đủ. Bạn cần chứng minh với sếp bạn xứng đáng với mức lương đó bằng những thành tích hay kết quả công việc bạn đã đạt được.
Để có được những dẫn chứng thuyết phục, ngay từ bây giờ, hãy tập thói quen lưu lại “nhật ký thành tích” trong công việc của mình mỗi ngày hoặc ít nhất là mỗi tuần. Trong đó lưu lại những việc bạn đã làm rất tốt trong 6 tháng đến một năm vừa qua để giúp công ty thành công. Nên nhớ rằng làm tốt công việc của mình thôi chưa đủ, bạn cần vượt quá sự mong đợi của sếp và thể hiện được sự khác biệt của mình so với một nhân viên bình thường trong vị trí này. Một vài câu hỏi giúp bạn suy nghĩ và chuẩn bị:
a. Bạn đã giải quyết một vấn đề khó hoặc giúp hoàn thành một dự án khó? Và dự án đã đạt kết quả tốt?
b. Bạn làm thêm giờ để đảm bảo kế hoạch hoàn thành đúng thời hạn? Bạn sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong công việc?
c. Bạn đã đóng góp ý tưởng mới và thực hiện nó để cải tiến chất lượng công việc hoặc quy trình làm việc?
d. Bạn đã giúp công ty tiết kiệm thời gian và tiền bạc? Như thế nào?
e. Bạn làm thêm một số công việc khác ngoài công việc của mình để đảm bảo hoạt động của công ty những lúc cần thiết?
f. Bạn giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc của họ, hướng dẫn và đào tạo nhân viên khác?

3.    Hãy tích cực trong mọi hoàn cảnh
Trước khi đề nghị tăng lương, bạn cần tìm hiểu những yếu tố khách quan có thể ảnh hưởng đến việc tăng lương của bạn như tình hình tài chính của công ty, của phòng ban, phạm vị lương của từng vị trí và chính sách tăng lương của công ty. Hiểu được điều này giúp bạn lên kế hoạch và chọn thời điểm tốt cho việc tăng lương của mình, tránh đưa sếp vào tình huống khó xử như hoặc tăng lương hoặc nghỉ việc. Đồng thời cũng chuẩn bị tư tưởng cho bản thân trong việc yêu cầu tăng lương không được giải quyết ngay.
Mặc dù vậy, thái độ tích cực không có nghĩa là yêu cầu một cách qua loa và sẵn sàng chấp nhận bất cứ kết quả nào. Bạn cần phải tự tin và nghiêm túc. Nên đặt cuộc hẹn trước với sếp, hoặc xin 30 phút nói chuyện riêng khi bạn thấy sếp có thời gian. Nên nói một cách chậm rãi và từ tốn, để trình bày thật rõ ràng mong muốn của mình. Nếu sếp của bạn đang bận hoặc cảm thấy bất ngờ với yêu cầu này và đề nghị bàn lại vào lúc khác, hãy đồng ý để thể hiện sự tôn trọng. Đồng thời xin một cái hẹn mới cụ thể về thời gian, tốt nhất là không quá 2 tuần từ khi bạn đưa ra yêu cầu.

4.    Làm gì khi bị từ chối?
Nếu bạn đã chuẩn bị rất kỹ nhưng bị sếp từ chối, đừng quá thất vọng. Mặc dù chưa đạt được mức lương mong muốn, bạn đã làm được bước khó nhất đó là trình bày nguyện vọng của mình. Nếu bị từ chối vì những lý do khách quan, hãy tiếp tục thể hiện tốt trong công việc và yêu cầu lại sau vài tháng. Nếu bị từ chối vì sếp chưa thấy được biểu hiện của bạn xứng đáng với mức lương cao hơn, hãy hỏi thật chi tiết về những điều bạn cần phải làm tốt hơn để đạt được mức lương mà bạn mong muốn trong vài tháng tới.
Nếu phạm vị lương của công việc hiện tại không thể đáp ứng được mức lương mong muốn của bạn, hãy nghĩ đến việc mở rộng phạm vi công việc hoặc luân chuyển qua một vị trí khác trong cùng phòng ban hoặc công ty. Đây là cơ hội giúp bạn tăng giá trị của bản thân để đạt được mức lương cao hơn.
Và kết thúc buổi thảo luận, cho dù kết quả như thế nào, cũng đừng quên gửi một email cảm ơn quản lý đã lắng nghe và chia sẻ với bạn. Đây cũng là một cách để chính thức lưu lại những điều mà bạn và quản lý đã thỏa thuận, giúp bạn tránh được hiểu lầm giữa hai bên và theo dõi tiến triển của việc tăng lương sau này.
Chúc bạn đạt được mức lương mong muốn!

Lê Hải Quỳnh
HR Manager
VietnamWorks - Navigos Group

Nhân viên nghỉ việc? Hành động ngay trước khi quá muộn!

Tuyển dụng luôn là một quy trình khiến bạn hao tốn nhiều tiền của, thời gian và công sức. Vì thế, khi đã xây dựng được một tập thể làm việc hiệu quả, bạn đương nhiên không bao giờ muốn họ ra đi.
 

Các dạng nghỉ việc
Nắm bắt được xu hướng nghỉ việc của nhân viên sẽ giúp hiểu được lý do họ ra đi và có các biện pháp phòng ngừa điều tương tự xảy ra trong tương lai.

* Nghỉ việc theo mùa vụ: Chúng ta thường thấy nhân viên xin nghỉ việc vào những thời điểm nhất định trong năm, chẳng hạn sau một giai đoạn kinh doanh phát đạt. Điều này thường xảy ra với những nhân viên có lương chủ yếu dựa vào hoa hồng. Đó là vì họ muốn theo đuổi môi trường và thị trường mà họ có thể duy trì cơ hội kiếm tiền.

* Nghỉ việc do thiếu cơ hội thăng tiến: Đôi lúc bạn có thể rơi vào một cái vòng luẩn quẩn của việc tuyển dụng. Đó là khi nhân viên đã khẳng định được năng lực của mình, họ quyết định ra đi vì không còn thấy triển vọng phát triển xa hơn trong công ty.

* “Tháo chạy” hàng loạt: Đây là tình huống xấu nhất cho một doanh nghiệp. Một số lượng lớn nhân viên quyết định nghỉ việc cùng một lúc vì nhiều lý do như không hòa hợp với một người quản lý mới, bất đồng về lương bổng với công đoàn, hoặc nghe thấy tin tức về những khó khăn tài chính tiềm ẩn trong ngành bạn đang kinh doanh.

Giảm thiểu số lượng nhân viên ra đi
Nhiều nhân tố khiến nhân viên ra đi kể trên nằm ngoài sự kiểm soát của bạn, nhưng vẫn có những biện pháp nhất định bạn có thể áp dụng để giảm bớt lượng nhân viên xin nghỉ việc.

* Gia tăng hiệu quả của việc tuyển dụng: Bạn đang tuyển dụng nhân sự cho hiện tại hay cho tương lai? Tốt nhất là bạn hãy tuyển dụng những người linh hoạt, có thể đáp ứng các nhu cầu (thường thay đổi theo thời gian) của hoạt động kinh doanh.

* Giao tiếp với nhân viên: Không có gì làm người ta khó chịu hơn một bầu không khí khép kín trong doanh nghiệp. Vì thế, hãy cởi mở với nhân viên của bạn, chia sẻ tầm nhìn về tương lai của doanh nghiệp và chỉ cho họ thấy họ phù hợp với mục tiêu tổng thể như thế nào.

* Lắng nghe nhân viên: Bạn nên khuyến khích nhân viên thành lập một công đoàn có thể thảo luận những vấn đề liên quan đến họ và bầu ra một người đại diện để đối thoại với ban quản trị. Bạn sẽ không thể chấp nhận tất cả những đề xuất của họ, nhưng ít nhất cần cho họ thấy bạn đã xem xét chúng một cách nghiêm túc. Bạn cũng nên nghiên cứu việc tiến hành các cuộc khảo sát ngầm để tìm hiểu tâm tư tình cảm đích thực của nhân viên.

* Tăng phúc lợi: Nhân viên luôn thích được tăng lương. Tuy nhiên, ngoài tăng lương ra, bạn còn có thể làm nhiều điều khác để động viên tinh thần làm việc của nhân viên. Những chính sách động viên của bạn nên phù hợp với những vấn đề công ty đang gặp phải. Chẳng hạn, nếu cảm thấy sự thiếu cân bằng giữa cuộc sống và công việc là nguyên nhân khiến nhiều nhân viên ra đi, bạn có thể tăng số ngày phép cho nhân viên.

* Khen thưởng: Bạn nên thường xuyên thể hiện sự trân trọng của bạn với nhân viên bằng các hình thức như tổ chức cuộc thi “Nhân viên xuất sắc nhất trong tuần” hoặc tăng mức thưởng khi đạt mục tiêu. Lưu ý là bạn phải công bằng trong việc khen thưởng để nhân viên không cảm thấy bất mãn.

* Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Những chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thường xuyên sẽ chứng tỏ cho nhân viên thấy bạn quan tâm đến tương lai của họ. Hãy yêu cầu nhân viên quản lý gặp trực tiếp từng người trong nhóm để tìm hiểu tâm tư của nhân viên về công việc, tương lai và môi trường làm việc.

* Tổ chức các sự kiện xã hội: Trong những doanh nghiệp thành công nhất luôn tồn tại tình đồng nghiệp gắn bó giữa các nhân viên. Tuy nhiên, việc cung cấp cơ hội để nhân viên của bạn tiếp xúc với nhau bên ngoài công ty hoàn toàn khác với việc tạo ra những niềm vui mang tính cưỡng ép. Nếu bạn tạo điều kiện để nhân viên tham gia vào quy trình hoạch định tổ chức các sự kiện, bạn sẽ tạo ra được những sự kiện mà họ thật sự muốn tham gia.

Làm gì khi nhân tài muốn ra đi?    
Trong khi tình trạng nghỉ việc thường xuyên là điều có thể phòng ngừa và ngăn chặn ở một mức độ nào đó, thỉnh thoảng bạn sẽ phải đối mặt với những trường hợp nghỉ việc ngoài mong đợi, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ty. Đây là lúc bạn cần vận dụng kỹ năng thương lượng của mình. Nếu một nhân viên quyết định xin nghỉ việc, tốt nhất là bạn để họ đi. Tuy nhiên, nếu cảm thấy công ty không thể thiếu họ được, bạn hãy cố gắng hết sức để giữ họ lại.

Đầu tiên, hãy tìm hiểu tại sao họ lại muốn ra đi. Có phải họ muốn nắm bắt một cơ hội mới quá hấp dẫn? Có phải họ nghỉ việc chỉ vì tiền? Có phải họ nghỉ việc để đi làm từ thiện ở vùng sâu vùng xa? Bạn cần phân tích lý do và tìm cách thay đổi ý muốn ra đi của họ.
Nếu không thuyết phục được họ ở lại, bạn cần tổ chức một cuộc phỏng vấn thôi việc (exit interview) với nhân viên sắp ra đi. Như vậy, bạn sẽ có thể thu nhận được một số ý kiến chân thật và thẳng thắn về hoạt động của công ty bạn. Qua đó, bạn sẽ biết mình có thể thay đổi điều gì để ngăn ngừa tình trạng này trong thời gian sắp tới.

Cũng có những trường hợp bạn lại muốn khuyến khích nhân viên nghỉ việc. Nếu nhân viên đã làm việc ở một phòng ban trong nhiều năm và hiện đã cạn kiệt ý tưởng sáng tạo, có lẽ đã đến lúc bạn cân nhắc việc tìm kiếm những “dòng máu” mới. Tuy nhiên, nếu bạn không có ngân sách để tuyển dụng nhân sự mới thì sao?
Đương nhiên, bạn không muốn vướng vào rắc rối với pháp luật khi sa thải nhân viên, nhưng vẫn có những việc bạn có thể làm để khiến nhân viên cảm thấy đã đến lúc họ nên ra đi. Chẳng hạn, thay vì giảm bớt công việc hiện tại của họ, hãy giao những việc có tính chất mới mẻ cho người khác. Người ta sẽ nhanh chóng chán nản khi không tìm thấy điều gì thú vị trong công việc cũ rích của mình.

(Theo hiring.monster.co.uk)