Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Cân Bằng Công Việc Và Cuộc Sống – Lấy Lại Sự Kiểm Soát Để Thành Công

Mối quan hệ giữa đời sống cá nhân và công việc có thể trở nên không bền vững. Để duy trì được sự cân bằng, đòi hỏi một sự khéo léo, đăc biệt khi bạn là một nhà lãnh đạo hay cá nhân xuất sắc trong tổ chức. Chỉ với 24 giờ mỗi ngày, làm sao vừa giữ được nhịp độ sống đều đặn, trong khi vẫn tăng hiệu suất công việc? Thành viên Mạng cộng đồng doanh nhân Anphabe đã có một cuộc trao đổi cởi mở với ông Paul Wong – Người sáng lập của Radical Coaching để tìm hiểu những chiến lược hiệu quả để đối phó với vấn đề muôn thuở này.
Chào Paul, tôi biết việc cân bằng công việc và cuộc sống chính là cân bằng giữa các lựa chọn, đó là lí do tại sao mỗi người có một cách cân bằng khác nhau. Tuy nhiên, anh có những nguyên tắc nào để ưu tiên những lựa chọn của mình hay không?
Cám ơn câu hỏi của bạn. Vì tôi luôn tin rằng công việc sẽ hỗ trợ cho gia đình, tôi luôn sẵn lòng hy sinh công việc cho gia đình, nhưng hẳn sẽ không có điều ngược lại (Đó là một lựa chọn khó khăn nhưng xứng đáng, vì đó là một thử thách giúp tôi làm việc có mục đích hơn). Khi chọn lựa, tôi luôn tự hỏi mình, liệu lựa chọn của tôi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những mối quan hệ (từ khóa) theo thứ tự ưu tiên này:

Hình minh họa

1. Gia đình:
a) Vợ/chồng
b) Con cái
2. Công việc:
a) Đồng nghiệp
b) Đối tác chiến lược
c) Khách hàng
Với sự chân thành và hỗ trợ từ những người cố vấn của mình, tôi xem xét động lực, lợi và hại của lựa chọn đó. Nếu lựa chọn của tôi gây ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình, tôi sẽ tìm cách khác hoặc nói “KHÔNG” với cơ hội đó.
Tôi đã mắc phải nhiều lỗi lầm đáng tiếc nhiều năm về trước, trước khi đưa ra quyết định đặt gia đình lên trên công việc. Trong công việc cũng thế, lại có những lỗi lầm đáng tiếc trước khi đi đến quyết định đặt đội ngũ làm việc của mình lên trên khách hàng.
Những ưu tiên này giờ đây giúp tôi đưa ra quyết định tốt hơn, giúp cuộc sống của tôi yên bình hơn, ít hối tiếc hơn, và có được sự cân bằng trong cuộc sống. Hy vọng những chia sẻ của tôi đã cho bạn câu trả lời.
(Xem thêm câu trả lời của các doanh nhân khác tại đây).
Có những nhân tố ảnh hưởng đến sự cân bằng trong cuộc sống như công việc, gia đình, bạn bè, sức khỏe và tinh thần. Trong số những nhân tố đó, theo anh, nhân tố nào là dễ và khó kiểm soát nhất? Có thể giải quyết những nhân tố đó như thế nào để đạt được sự cân bằng?
Theo tôi, nhân tố dễ kiểm soát nhất là thái độ và khó nhất là những mối quan hệ. Một số người cho rằng những mối quan hệ dễ kiểm soát nhưng tôi nghĩ như thế cũng đúng là nếu chúng ta hạnh phúc với những mối quan hệ hời hợt và không vừa ý. Còn nếu chúng ta nghiêm túc phát triển những mối quan hệ sâu sắc và ý nghĩa hơn thì có thể một ngày nào đó, chúng ta sẽ bị tổn thương nhưng cũng rất xứng đáng.
Điều đầu tiên là thái độ. Thái độ của chúng ta bị ảnh hưởng bởi 2 thứ- kiến thức chúng ta tiếp thu được và những người chúng ta dành nhiều thời gian bên họ nhất. Không gì có thể ảnh hưởng tới thái độ của chúng ta nhiều như 2 yếu tố đó.
Viktor Frankl (hãy google về ông ấy và tải về cuốn sách “Man’s Search for Meaning” của ông) là một tù nhân trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Sau nhiều năm chứng kiến các tù nhân ra đi và một vài người sống sót, ông đã rút ra một kết luận: “Sự tự do lớn nhất của chúng ta là chọn hay tiếp thu những thái độ”. Chúng ta có quyền tự do lựa chọn thái độ của mình mỗi ngày dù ở nhà, khi làm việc hay trong cuộc sống. Và đó chính là nền tảng của sự tìm kiếm yếu tố cân bằng trong cuộc sống.
Một người bạn rất thân của tôi từng nói với tôi sau khi tôi thất bại trong kinh doanh, mối quan hệ với gia đình và người vợ tương lai trở nên tồi tệ, và hoàn toàn chán nản với cuộc sống của mình, rằng “Bạn có thể không phải lúc nào cũng ở trong những tình huống thuận lợi nhưng bạn có thể TRỞ NÊN hoàn hảo trong mọi tình huống”. Đó là một lời khuyên khó mà hiểu được lúc đó nhưng nó đã giúp tôi tập trung vào việc lựa chọn thái độ hơn là để những sự việc xung quanh ảnh hưởng đến mình.

Đây là một vài gợi ý để xây dựng cái mà tôi gọi là thái độ chiến thắng:
1. Hãy thành thật với bản thân và người khác về thái độ của bạn ở hiện tại, liệt kê ra những thứ mà bạn muốn thay đổi (Ví dụ: thái độ phê phán người khác, luôn lo lắng về những thứ không đâu, nghĩ mình phải tốt hơn người khác, v.v…)
2. Nhìn nhận sâu hơn về cách tiếp nhận thông tin và tự hỏi xem liệu những cuốn sách, trang web, nội dung chúng ta đang đọc có thực sự giúp ích hay cản trở chúng ta phát triển thái độ mà mình mong muốn. Quyết định phải thay đổi những gì.
3. Nhìn nhận sâu hơn về những người mà chúng ta đầu tư thời gian ở bên họ và có tầm ảnh hưởng lên bản thân nhiều nhất. Có mối quan hệ nào tác động tiêu cực lên chúng ta và cần phải giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đó lại không? Chúng ta có thể thân thiện với mọi người nhưng không nhất thiết phải làm bạn với tất cả. Lựa chọn bạn bè một cách thận trọng là một việc làm thông minh.
4. Hãy tìm những đồng nghiệp tốt, những cố vấn tốt, những người mà mình có thể gặp thường xuyên. Hãy gặp họ đều đặn, đừng phó mặc cho cơ hội hay sự may rủi. Gặp gỡ và trao đổi về cuộc sống, gia đình, công việc,… và học hỏi từ họ. Cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn khi một người cố vấn chỉ cho tôi sức mạnh của việc được cố vấn và cố vấn cho người khác.
Cuối cùng là những mối quan hệ. Cuộc sống luôn có những lúc rất căng thẳng. Điều đó là chắc chắn vì chúng ta sống trong một thế giới không hoàn mỹ và với những con người không hoàn hảo. Mọi thứ đôi khi không như ta mong đợi. Chúng ta thất vọng với những mối quan hệ của mình.
Sự căng thẳng như thế có thể tốt, nhưng cũng có thể chết người. Tôi học kĩ sư cơ khí và dành khá nhiều thời gian làm việc trong phòng thí nghiệm thử nghiệm các vật liệu. Khi chúng ta kéo căng hết cỡ những vật liệu đó đến một giới hạn nhất định, chúng có thể tự phục hồi và trở nên cứng và chắc hơn. Nhưng nếu chúng ta kéo căng quá điểm đứt gãy, nó sẽ gãy và rất khó sửa chữa lại.
Những mối quan hệ của chúng ta cũng vậy, và những căng thẳng tích cực có thể giúp chúng ta mạnh mẽ hơn, trở thành người chồng, người vợ hay người lãnh đạo tốt hơn. Đây là nhân tố khó kiểm soát nhất bởi vì chúng ta không thể điều khiển thái độ và lựa chọn của người khác được.
Cân bằng giữa cuộc sống và công việc có đồng nghĩa với việc quản lý thời gian tốt hay không? Có một sự khác biệt nào giữa hai điều đó?
Cân bằng giữa công việc và cuộc sống thiên về cách chúng ta sống và lựa chọn những ưu tiên nào giúp chúng ta đạt được tầm nhìn và mục tiêu của mình. (Tại sao chúng ta sống). Trong khi đó, quản lí thời gian là cách chúng ta sử dụng thời gian hiệu quả (chúng ta sống như thế nào).



Cân bằng tốt cuộc sống và công việc giúp quản lý thời gian hợp lí. Tuy nhiên, quản lí thời gian tốt không có nghĩa là bạn đã đạt được sự cân bằng trong cuộc sống và công việc. Vậy làm sao nào để biết được mình đã đạt được sự cân bằng hay chưa?
Tôi quan niệm rằng “Cân bằng” không phải là đích đến, mà là một cuộc hành trình, một cuộc hành trình không ngừng nghỉ. Albert Einstein từng nói: “Cuộc sống giống như lái một chiếc xe đạp, để giữ thăng bằng phải liên tục di chuyển”. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng “Để giữ được thăng bằng, bạn phải luôn tiến lên PHÍA TRƯỚC”.
Tôi tin rằng ta khẳng định được mình đã cân bằng khi ta đang tiến lên phía trước (có sự tiến bộ), đối với tầm nhìn về…
1. Cuộc sống: ta tìm thấy sự bình yên và hài lòng với con người mà chúng ta đang trở thành.
2. Gia đình và những mối quan hệ: tìm thấy sự bình yên và hài lòng với những mối quan hệ.
3. Công việc: tìm thấy sự bình yên và hài lòng với những gì mình đang làm và biết rằng điều đó tạo ra sự khác biệt với người khác.
Và đây là những câu hỏi để đo mức độ cân bằng của chúng ta:
1. Tôi có yêu và tôn trọng con người mà tôi nhìn thấy trong gương không? Tôi có hạnh phúc khi con người trong gương sẽ trở thành không? Nếu có điều gì đó tôi sẽ thay đổi hôm nay thì đó là điều gì?
2. Tôi có hài lòng với tất cả các mối quan hệ của mình không? Dù có những khác biệt và mâu thuẫn, tôi đã tha thứ cho những người có lỗi với tôi chưa? Thậm chí nếu những người đó không bao giờ thay đổi, liệu tôi vẫn có thể tiếp tục yêu thương và tôn trọng họ người đó?
3. Tôi có thật sự đam mê những gì tôi đang làm? Hay đây chỉ là sở thích đã qua? Tôi có thực sự nghiêm túc để gắn bó lâu dài với điều này hay không? Nếu tôi không phải bận tâm về thời gian và tiền bạc, tôi sẽ làm điều gì để cuộc sống của người khác tốt hơn?
Nếu chúng ta có thể trả lời với hầu hết những câu hỏi này, có thể nói rằng chúng ta đang đi đúng hướng và đang duy trì sự cân bằng mình tìm kiếm được.
Theo anh, liệu chúng ta có thể duy trì sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc trong cái thế giới thay đổi liên tục này?
Bí quyết để có một cuộc sống cân bằng trong một thế giới thay đổi đến chóng mặt như hiện nay cũng tương tự như xây một ngôi nhà kiên cố giữa thời tiết thay đổi thất thường.
Sau khi đã thống nhất về thiết kế cho ngôi nhà, những kĩ sư sẽ ngay lập tức bắt đầu xây móng. 30- 50% đầu tiên của công trình, hầu hết các công việc đều được thực hiện dưới mặt đất. Khi hoàn thành phần móng, ngôi nhà nhanh chóng thành hình, rồi tới phần rất thú vị – thiết kế nội thất. Chúng ta sẽ chọn mua đồ đạc, giấy dán tường…
Sống một cuộc sống tuyệt vời cũng tương tự như thế. Chúng ta tìm thấy sự cân bằng khi chỉ ra được những thứ tự ưu tiên quan trọng nhất, về lâu về dài không thay đổi (phần nền móng), và những gì có thể thay đổi linh hoạt (phần nội thất).
Nhiều năm liền, tôi sống không hề có những ưu tiên. Mọi thứ với tôi, hoặc là đều không quan trọng, hoặc là tất cả chúng đều quan trọng. Tôi tập trung vào trang trí cho phần nội thất trong ngôi nhà của mình hơn là phần nền tảng. Kết quả là, cuộc sống (ngôi nhà) của tôi đổ vỡ nhiều lần.
Cố xây dựng phần nội thất trước rồi mới tới phần nền móng sẽ không hiệu quả. Nội thất rất dễ thay đổi nhưng nền móng không phải là thứ ta có thể thay đổi thường xuyên được. Một khi đã quyết định, chúng ta sẽ xây dựng nó lâu dài.

Đây là một số đề xuất:
1. Xếp hạng độ quan trọng của gia đình, sự nghiệp, phát triển cá nhân và bất cứ con người/lĩnh vực nào quan trọng với bạn.
2. Thảo luận về những điều đó và tìm ra sự đồng thuận với những người quan trọng của bạn.
3. Cam kết sống với những ưu tiên đó kể cả trong những tình huống khó khăn trong cuộc sống.
4. Tìm những cố vấn và bạn bè tốt, những người có những ưu tiên tương tự bạn. Gặp họ thường xuyên và học cách họ làm điều đó như thế nào.
Việc ra quyết định trở nên đơn giản hơn nhiều khi có những ưu tiên.
Hãy tìm kiếm sự cân bằng đó cho cuộc sống của mình. Làm được điều đó, chúng ta sẽ mang lại nhiều giá trị lớn hơn cho người thân yêu, nhân viên, bạn bè và cả cộng đồng!
Vẫn là câu hỏi quen thuộc: Làm thế nào để thay đổi những thói quen của mình để đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống?
Thay đổi thói quen chưa bao giờ dễ đối với tôi. Tôi biết có nhiều thói quen cần thay đổi nhưng kỉ luật có vẻ như chẳng bao giờ đủ cả. Mãi cho đến khi tôi nghe ai đó dạy rằng “Kỉ luật không thể là mục tiêu. Kỉ luật là phụ phẩm của một tầm nhìn tốt”, tôi mới bắt đầu hiểu làm thế nào để tạo ra kỉ luật để thay đổi thói quen của mình.
Vậy làm sao để thay đổi những thói quen? Hãy bắt đầu bằng một định hướng thuyết phục cho cuộc đời của mình. Nhờ đó, chúng ta có một LÝ DO thuyết phục để thay đổi thói quen. Thiếu đi một lý do thuyết phục, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có động lực để thay đổi cả.
Nhưng thay vì dành thời gian để thay đổi thói quen của mình, tôi đề nghị chúng ta nên dành thời gian nhiều hơn để hỏi bản thân “Tôi thực sự sẽ đi về đâu trong cuộc đời này?” và “Tôi phải thay đổi những gì để trở thành người như tôi mong muốn và đến được nơi tôi muốn?”. Định hướng cuộc sống càng rõ ràng, việc thay đổi thói quen để đạt được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc càng hợp lí hơn bởi vì chúng ta luôn muốn tìm kiếm sự lâu dài.
Chắc chắn ai cũng muốn duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, trong cuộc sống gia đình, đôi khi những gì bạn nghĩ cân bằng cho mình có thể làm cho cuộc sống của người bạn đời của mình mất cân bằng. Anh có những bí quyết nào cho việc này không?
Tôi nghĩ nhiều khả năng cuộc sống gia đình đôi khi lại là nơi xảy ra nhiều trận chiến khốc liệt nhất ấy chứ.
Cũng có thể vì chăm lo cho sự cân bằng của chúng ta mà người vợ (hay chồng) lại không thể tìm được sự cân bằng cho chính họ. Sau khi lập gia đình, tôi đã phải mất một thời gian dài (và đến nay tôi vẫn đang học) để thay đổi tư duy của một người “độc thân” thành tư duy của một người đã có gia đình. Thay đổi từ “tôi” thành “chúng ta” trong cách mình nhìn nhận thời gian, tiền bạc, công việc, những mối quan hệ,…là một việc đầy thử thách nhưng cũng rất xứng đáng bởi vì điều đó giúp tôi mở rộng trái tim và lý trí của mình.



Việc ra quyết định trước đây rất dễ dàng vì tôi chỉ đơn thuần đưa ra quyết định cho bản thân. Nhưng thứ áp dụng được cho tôi có thể lại không phù hợp với gia đình. Nếu tôi muốn tìm được một giải pháp cho “chúng ta”, tôi và vợ phải cùng nhau suy nghĩ để tìm ra cách.
Tôi học được rằng, một trong những món quà quý giá nhất ta có thể dành cho người vợ/chồng của mình chính là thời gian. Có thể đơn giản chỉ là lắng nghe, cũng có thể là thời gian để người bạn đời làm những việc mà họ thích, dành thời gian tham gia những sự kiện hay hoạt động đặc biệt nào đó. Điều này đồng nghĩa với hy sinh những điều thuộc về cá nhân, nhưng những gì bạn nhận được về lâu dài là xứng đáng.
Đây là một số cách tôi sử dụng để tìm được sự cân bằng trong cuộc sống gia đình của mình:
1. Thức dậy sớm hơn bình thường 1-2 giờ, khi mọi người vẫn còn đang ngủ, để chuẩn bị cho ngày mới.
2. Tạo một lịch làm việc và cho gia đình trên Google Calendar (hay những công cụ khác) và chia sẻ/quản lý nó cùng với vợ.
3. Một buổi tối hẹn hò mỗi tuần để “làm hư” vợ. Đưa vợ ra ngoài cho một bữa tối thật lãng mạn. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn bắt đầu có em bé và không còn thời gian cho nhau nhiều nữa. Hãy tìm người nhà hay bạn bè, nhờ họ trông hộ những đứa trẻ chỉ một đêm thôi.
4. Mỗi ngày dành ra 15-30 phút để nghe và kể cho vợ nghe những việc trong ngày. Tôi gọi đó là “sofa time”. Hoặc nhiều hơn thì có thể cùng thảo luận về 1 chương sách mỗi tuần.
5. Chăm chỉ cùng nhau quản lý lịch trình bằng cách thảo luận thường xuyên để tìm ra sự đồng thuận.
Điều cuối cùng cũng là điểm mấu chốt. Sự đồng thuận có sức mạnh vô biên hơn cả sự chấp nhận hay thỏa thuận, là việc chúng ta đặt hết tâm trí của mình vào đó. Điều đó sẽ không hề dễ dàng bởi vì ta luôn có những suy nghĩ và sở thích riêng. Vậy thì ai sẽ thay đổi trước?
Câu trả lời là người suy nghĩ chín chắn hơn. Nếu bạn trưởng thành hơn, như Người nhện từng nói “Người có nhiều sức mạnh hơn sẽ mang nhiều trọng trách hơn” và điều đó có nghĩa là hãy kiên nhẫn hơn với người khác.

Cảm ơn những chia sẻ rất chân thành của anh!

Xem toàn bộ bài trao đổi với Ông Paul Wong bằng tiếng Anh tại đây.
Tham gia Anphabe.com ngay để cùng thảo luận với các Diễn giả và thành viên khác về các chủ đề thiết thực!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét